Saturday, March 6, 2010

Thể dục chuyên môn - AIKITAISO

Chúng ta đã biết Aikido chủ trương phối hợp sức mạnh của thể chất với sức mạnh tinh thần và phát triển sức mạnh tổng hợp đó trong các động tác kỹ thuật của bộ môn.
Do sự chỉ đạo của một tinh thần thống nhất, tập trung “Ở ĐIỂM DUY NHẤT”, vùng bụng ngay dưới lỗ rốn, mà sức mạnh cơ thể vốn thường tản mạn khắp nơi trong cơ thể được phối hợp liền lạc. Nhờ đó, lúc TĨNH, toàn thân được thư giãn, mềm mại, nghỉ ngơi, nhưng lúc ĐỘNG (do sự chỉ huy của tinh thần hợp nhất), lực đó lập tức phát động từ ĐIỂM DUY NHẤT, một mặt xuống chân tạo thành chân đế vững vàng, một mặt ra vai tay để phối hợp với lực tấn công mà hóa giải. Một khi đã đạt được đúng THỜI ĐIỂM, cái cộng lực TRONG (lực tổng hợp của bản thân) và NGOÀI (lực tấn công) sẽ tạo thành một sức mạnh rất lớn và còn gia tăng theo tốc độ của động tác. Do đó các kỹ thuật sẽ trở nên rất hữu hiệu.
Trong tập luyện AIKIDO, chúng ta đánh giá rất cao phần luyện tập thể dục chuyên môn này vì đó là những bước tập cơ bản nhất để đưa môn sinh từ chỗ đơn giản đến phức tạp: từ luyện tập một mình (đơn luyện) để tiến tới song luyện và rồi đối luyện với nhiều người, phần luyện tập này giúp chúng ta tìm biết (cảm nhận) mà tập trung toàn lực vào ĐIỂM DUY NHẤT (còn gọi là ĐỊNH KHÍ ĐAN ĐIỀN), tập duy trì sự tập trung này trong tập luyện và tập phát động tổng lực từ đó trong mọi động tác (vận khí phát lực).
Qua chuyên cần luyện tập, chúng ta có thể thường xuyên duy trì điểm duy nhất này theo quán tính để đạt hiệu năng tối đa trên sân tập cũng như trong mọi sinh hoạt của cuộc sống. Sự luyện tập để thường xuyên duy trì ĐIỂM DUY NHẤT này giống như người tập đi xe đạp. Lúc đầu anh ta phải cố gắng mới giữ được thăng bằng cho xe khỏi đổ, sau giữ thăng bằng, vừa đạp phải vừa lái xe nữa. Nhưng tới khi đã thành thạo rồi anh ta có thể lái xe đi tới nơi định trước, khéo léo tránh ổ gà, bấm chuông, bóp thắng theo nhu cầu… mà đâu cần phải quan tâm đến việc giữ thăng bằng nữa?
Sau đây là những thế đơn luyện quan trọng trong phần thể luyện chuyên môn và một số ứng dụng song luyện, được sắp xếp từ vận động tại chỗ đến di động và xoay chuyển để phù hợp trong ứng dụng thực tế. Nói cách khác, các môn sinh được hướng dẫn luyện tập duy trì ĐIỂM DUY NHẤT trong mọi tư thế và vận động đa dạng tiến tới duy trì thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày.


1. IKKYO UNDO


[Image]


Đứng thẳng cột sống, dang hai chân cách nhau chừng 20 cm, mắt nhìn thẳng, vai buông lỏng, bàn tay phải nắm lên lưng bàn tay trái (gần sát cổ tay).
- Đếm 1: vừa tăng áp lực từ bàn tay phải lên bàn tay trái vừa đưa lên ngang giữa ngực cho cơ cổ tay dãn tối đa, đồng thời thở ra qua lỗ mũi, dùng ý phát lực từ ĐIỂM DUY NHẤT (căng lên) qua vai, cánh tay và bàn tay trái, để dù bị áp lực của bàn tay phải mà khí lực vẫn buông qua cổ tay bị bẻ gập, qua ngón tay mà thoát ra ngoài.
- Đếm 2: bàn tay phải vẫn nắm nguyên vị trí nhưng nới lỏng áp lực và thả bàn tay trái xuống trước bụng dưới, đồng thời hít hơi nhẹ vào qua lỗ mũi .
-Lần lượt tập hai bên trái phải, mỗi bên 8 lần.


2. NIKYO UNDO

[Image]


Đứng như thế tập ở trên, duỗi cánh tay trái về trước ngang tầm vai, lòng bàn tay hướng sang trái, ngón cái phía dưới. Cánh tay phải duỗi song song, bàn tay úp lên lưng bàn tay trái, ngón cái phải nằm lên mép bàn tay trái.
- Đếm 1: Bàn tay phải kéo bàn tay trái về sát ngực, hạ thấp hai cùi chỏ xuống đồng thời thở ra, phát lực từ nhất điểm qua vai, tay và bàn tay trái ra ngoài dù cho đang bị bàn tay phải bẻ xoắn.
- Đếm 2: Vừa duỗi tay về trước như cũ vừa hít nhẹ qua mũi.
- Mỗi bên tay tập 8 lần.


3. SANKYO UNDO


[Image]


Đứng như trên tay trái buông xuống, bàn tay úp xuống đất. Bàn tay phải nắm bàn tay trái, ngón cái phải đặt lên lưng bàn tay trái (các ngón kia nằm phía dưới các ngón trỏ, giữa, áp út và út bên trái).
- Đếm 1: Bàn tay phải vừa xoay bàn tay trái ra phía sau vừa đưa lên sang trái cho cẳng tay trái dựng đứng lên. Thở hơi ra theo động tác, đồng thời dùng ý phát lực từ NHẤT ĐIỂM qua cánh tay, bàn tay trái ra ngoài.
- Đếm 2: Hạ bàn tay tái xuống vị trí ban đầu đồng thời hít nhẹ vào.
- Lần lượt tập cả hai bàn tay, mỗi bên 8 lần.


4. KOTE GAESHI UNDO


[Image]


Đứng như trên. Bàn tay trái đưa lên ngang cổ, xoay và hướng lòng bàn tay sang trái, mép bàn tay (ngón út) hướng vào cổ. Ngón cái phải đặt lên lưng bàn tay trái dưới ngón út và áp út, các ngón kia nằm vào gót ngón cái trái.
- Đếm 1: Bàn tay phải vừa kéo bàn tay trái xuống trước bụng vừa tăng áp lực lên ngón cái phải đè vặn bàn tay trái, đồng thời thở ra theo động tác, ý phát lực từ NHẤT ĐIỂM qua vai, tay trái thoát ra ngoài.
- Đếm 2: Nơí áp lực ngón cái phải trả hai tay về vị trí ban đầu đồng thời hít nhẹ vào.
- Ghi chú:Trong các thế tập từ 1 tới 4, tay nọ giữ vai trò đối phương để tập cho tay kia phát khí lực ngay cả trong khi bị khống chế ở tay


5. SAYU UNDO

[Image]

Đứng thẳng lưng, nhìn về phía trước, bước ngang sang hai bên 1 bước (gấp đôi khoảng cách giữa hai vai), hai bàn chân mở ra. Hai tay đưa sang phải, ngang ngực, lòng bàn tay hướng lên. Nhớ luôn duy trì NHẤT ĐIỂM (h9a).
- Đếm 1: Gấp cong gối trái đưa thân sang trái (lưng vẫn thẳng đứng) đồng thời phát lực từ NHẤT ĐIỂM bằng cách xoay eo, vung hai tay từ phải sang trái theo đường vòng cung lên qua mặt rồi đè chếch xuống ngang vai trái, cảm giác nặng dọc phần dưới cánh tay. (h9b-c).
- Đếm 2: Đẩy mạnh chân trái đưa thân sang phải, cong gối phải đồng thời xoay eo phát lực vung hai tay qua mặt rồi hạ để xuống ngang vai phải (động tác đối xứng với động tác bên trái).
Biến thế: Di chuyển vị trí sang trái, phải.
- Đếm 1: Lê bàn chân phải bước ngang qua trước bàn chân trái, lê tiếp bàn chân trái sang trái một bước, vừa xoay eo phát lực vung tay trái qua trái vừa hạ cong gối trái và đè hai tay xuống.
- Đếm 2: Lê bàn chân trái sang bàn chân phải, lê tiếp chân trái sang phải một bước, vừa xoay eo phát lực vung hai tay qua phải vừa hạ cong gối phải và đè hai tay xuống.



[Image]


6. FUNE-KOGI UNDO

[Image]

Bước chân trái một bước về phía trước, bàn chân trái thẳng về phía trước, gối trước cong, chịu 6/10 trọng lượng cơ thể. Xoay bàn chân nằm ngang, phía sau bàn chân trái, duỗi gối phải gần thẳng và chịu 4/10 trọng lượng thân. Lưng luôn giữ thẳng, hai tay buông lỏng 2 bên (hình7d).
- Đếm 1: Duỗi gối phải để đưa trọng lượng thân về trước khiến gối phải cong xuống, đồng thời vừa đẩy mạnh hai cổ tay về phái trước bụng vừa dùng ý phát lực từ NHẤT ĐIỂM và thở nhanh ra.
- Đếm 2: Duỗi chân trái ra để chuyển trọng lượng thân về phía sau như ngồi lên chân sau trong khi gối phải cong xuống, hai tay hơi co lên ngang thắt lưng, quặp cổ tay xuống, hít hơi nhẹ vào.(h7c)
Sau khi thuần thục và tăng tốc độ các động tác trên để tập vừa di động thân tới lui nhanh vừa duy trì được NHẤT ĐIỂM và phát lực theo động tác, đổi thế đứng và tập thuần thục với chân phải phía trước.
Kế đó tập đổi hướng 180o bằng gót chân mà không để mất NHẤT ĐIỂM, tập đổi hướng qua lại nhiều lần, gia tăng tốc độ.



[Image]



7. MEN - UCHI IKKYDO UNDO



[Image]


Bước chân trái về phía trước, cong gối trái, đồng thời phát lực từ nhất điểm, thở ra và vung hai tay mạnh từ dưới lên ngang trước mặt (theo đường vòng cung), ngón tay duỗi thẳng, mép bàn tay hướng về phía trước (để đỡ) (h8b).
Lập lại thế tập nhiều lần và đôi chân đứng cho thuần thục cả hai bên trái, phải. Sau đó tập biến thế đổi hướng 180o (ZENGO UNDO) liên tục cho nhuần nhuyễn. Luôn duy trì ĐIỂM DUY NHẤT trong mọi tư thế chuyển tiếp. Biến thế xoay chuyển và bước đổi 8 hướng là HAPPO UNDO.
Ghi chú: cần ghi nhớ trong các thế tập có di động thân pháp như thế tập 7 và 8 trên đây thì không duỗi gối quá thẳng, vì như thế sẽ làm khớp bị “khóa” khiến khí lực không lưu thông được, các động tác không thể linh động và phát lực mạnh được.

[Image]

8. KOKYU HO UNDO



[Image]



Đứng thủ thế: Chân trái bước tới một bước, gối hơi cong, bàn chân phải xoay ngang sau bàn chân trái, chân phải duỗi 8/10. Tay trái đưa về phía trước, bàn tay mở và hạ thấp gót tay xuống. Bàn tay phải đặt ở trước rốn cũng mở rộng, gót tay cũng hạ thấp xuống.
- Đếm 1: Bước chân phải lên một bước, đưa tay phải ra, đồng thời co tay trái về trước NHẤT ĐIỂM. Gập cổ tay phải chúc ngón tay đất.
- Đếm 2: Chùng gối phải xuống, dồn trọng lượng thân lên chân phải làm trụ, xoay vòng chân trái sát đất ngược chiều kim đồng hồ (về phía sau) 180o, đồng thời múc tay phải vòng xuống rồi múc lên, thủ thế với chân phải ở trước.
Lập lại thế tập nhiều lần liên tục, lần lượt từ thế thủ chân trái trước sang thế thủ chân phải trước và ngược lại cho tới khi động tác mềm mại liên tục, duy trì được NHẤT ĐIỂM và phát lực vào tay múc xuống mà chân vẫn vững vàng, linh động.



[Image]



Nguồn: Ngô Quyền - thegioivothuat.net


Dưới đây là video clip để mọi người có thể tham khảo:




No comments:

Post a Comment