Saturday, February 27, 2010

[Clip]Biễu diễn năm 2007






Trong thời gian cập nhật một số clip biễu diễn của Aikido Huế trong các dịp . Hiện tại vừa tìm được một clip Aikido do thầy Nguyễn Đắc Trí thực hiện trong Hội ngộ ba miền ở Huế - 2007

Sưu tầm trên Youtube.

Lựa chọn nơi luyện tập Aikido

Việc chọn lựa chọn đạo đường, nơi luyện tập Aikido rất quan trọng với việc rèn luyện lẫn phát triển bản thân của bạn. Để chọn lựa được mội nơi ưng ý, có rất nhiều yếu tố bạn cần phải lưu ý. Sau đây là một vài hướng dẫn dành cho bạn:



I. Tìm nơi tập luyện


Các Đạo đường Aikido thường nằm tại các Trung tâm Thể dục Thể thao, Nhà văn hóa, Nhà thiếu nhi... Bạn có thể hỏi bạn bè hoặc tìm trên mạng.


II. Mục tiêu tập luyện của bạn và của đạo đường




Sau khi có một danh sách các đạo đường phù hợp, bạn cần phải tìm hiểu mục tiêu học Aikido của bạn và tiêu chí dạy Aikido của các đạo đường đó. Hãy tự trả lời tại sao bạn lại muốn học Aikido, bạn có quan tâm đặc biệt đến một vấn đề chuyên biệt trong Aikido hay không... Ví dụ như mục tiêu của bạn là học Aikido để tự vệ thì bạn sẽ dễ dàng đánh giá các đạo đường trong danh sách có phù hợp hay không. Một số đạo đường không chú trọng nhiều đến yếu tố tự vệ mà quan tâm đến việc phát triển và thay đổi con người. Một số khác lại tập trung phát triển về KHÍ hoặc hoàn thiện kỹ thuật đòn. Có nơi lại nhấn mạnh việc tự vệ hay tập luyện với vũ khí. Tiêu chí của mỗi đạo đường thường tùy thuộc vào hệ phái Aikido và huấn luyện viên trưởng tại đó. Đạo đường Aikido tốt nhất dành cho bạn là nơi có mục tiêu huấn luyện phù hợp với mục tiêu học tập của bạn.


III. Vị trí của đạo đường



Đã từng có lời khuyên rằng thành công trong kinh doanh phụ thuộc vào ba yếu tố: VỊ TRÍ, VỊ TRÍ và VỊ TRÍ! Khi bạn học Aikido cũng thế. Hãy chọn lựa đạo đường có vị trí thuận lợi nhất với bạn. Nếu nơi tập luyện cách xa nhà hoặc đường đến khó khăn thì sẽ khiến bạn dễ "lười biếng", khó có thể lên sân đều đặn được.



IV. Thời khóa biểu các lớp học


Thời khóa biểu của lớp học cũng là một yếu tố cần lưu ý. Một số đạo đường có thời khóa biểu rất phong phú trong khi một số nơi khác chỉ có lớp ở một số giờ nhất định: sáng, chiều, tối. Hãy tìm nơi có thời khóa biểu phù hợp nhất với bạn.



V. Học phí



Cũng như các môn học khác, Aikido cũng có những cam kết về tài chính và trách nhiệm. Bạn cần tìm hiểu kỹ về học phí và hình thức đóng học phí: theo từng tháng, theo quý hay nữa năm... Hãy tìm hiểu cả các phi phí "bên lề" khác như quỹ lớp, phí lên đai, phí võ phục hay các dụng cụ hỗ trợ khác.



VI. Huấn luyện viên



Đây có thể nói là yếu tố quan trọng nhất cần xem xét! Huấn luyện viên không chỉ là người có đẳng cấp cao hay là thành viên của các liên đoàn uy tín. Họ cần có kỹ năng sư phạm, tức là có thể giảng dạy được Aikido. Bạn hãy tìm hiểu xem huấn luyện viên trưởng có giới thiệu những khái niệm cơ bản về Aikido một cách rõ ràng và dễ hiểu không? Huấn luyện viên trưởng có thường xuyên đứng lớp hay không hay giao cho các huấn luyện viên hoặc phụ tá khác. Thường ở một số đạo đường , huấn luyện viên trưởng có đẳng cấp cao và uy tín lại chỉ đứng ra thành lập đạo đường chứ rất ít đứng lớp. Khi bạn mới học Aikido thì có thể học được từ các huấn luyện viên hoặc phụ tá nhưng khi đã có một đẳng cấp nhất định thì việc học từ huấn luyện viên chính là rất cần thiết bởi đó không chỉ còn đơn thuần về vấn đề kỹ thuật mà còn là vì vấn đề "lòng tự hào" nữa.


VII. Lớp học


Tùy theo yêu cầu của cá nhân mà bạn sẽ chọn cho mình lớp học phù hợp. Một số bạn mong muốn được hướng dẫn chi tiết nên sẽ thích lớp học nhỏ và ít người. Một số bạn khác lại thích được học trong một lớp đông người vì sẽ được luyện tập cùng nhiều người với nhiều trình độ khác nhau. Tuy nhiên, dẫu lớp đông hay ít người thì bạn cũng cần để ý đến tính kỷ luật của lớp bởi điều này cũng rất quan trọng khi tập luyện.


VIII. Bầu không khí luyện tập


Cách cư xử giữa các môn sinh với nhau trong lớp học sẽ tạo nên bầu không thích luyện tập tốt hay chưa tốt. Aikido rất quan trọng tinh thần hợp tác chứ không phải là ganh đua. Là một môn sinh mới nên bạn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ bầu không khí luyện tập của lớp. Còn đến khi đạt một đẳng cấp nhất định thì trách nhiệm và còn cả lòng tự hào của bạn nữa sẽ giúp tạo dựng và duy trì bầu không khí tích cực cho việc dạy và học Aikido trên lớp.


IX. Vấn đề vệ sinh


Tùy theo người huấn luyện viên trưởng mà đạo đường sẽ sạch sẽ hay bừa bộn. Sạch sẽ tất nhiên là tốt hơn rồi! Các môn sinh mới sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi được chào đón trong một đạo đường sạch sẽ và gọn gàng. Và đến khi đạt được một cấp đai cao hơn, họ sẽ tiếp tục có trách nhiệm trong việc giữ gìn vệ sinh cho nơi tập luyện của mình.


X. An toàn


An toàn là một yếu tố quan trọng khác cần được xem xét. Võ thuật luôn nguy hiểm và thường khó tránh khỏi tai nạn hay chấn thương. Một đạo đường tiêu chuẩn luôn phải có tủ thuốc, túi sơ cấp cứu và các huấn luyện viên hay phụ tá đều cần phải biết các kỹ năng sơ cứu ban đầu. Tuy nhiên, hãy tự mình tránh những chấn thương trong Aikido bằng cách tập luyện thật thận trọng, làm theo lời hướng dẫn, thả lỏng thân mình và nhất là luôn tập trung chú ý.


XI. Sự ổn định của đạo đường


Đạo đường bạn dự định tới học đã được thành lập bao lâu rồi? Có nguy cơ nào để đạo đường sẽ không còn tiếp tục hoạt động hay không? Bạn cũng nên để tâm vào những vấn đề đó bởi đã có nhiều đạo đường thành lập, chiêu sinh hàng loạt rồi sau đó lụi tàn dần và đóng cửa với nhiều lý do khác nhau, khiến môn sinh chẳng biết đi đâu về đâu.


XII. Trách nhiệm và đạo đức trong giảng dạy


Yếu tố sau cùng được nhắc đến trong bài này chính là trách nhiệm và đạo đức của người huấn luyện viên. Thời xưa, tại các đạo đường, mối quan hệ giữa người thầy và học trò là lời cam kết gắn bó thiêng liêng và nhất là luôn có trách nhiệm với nhau. Tuy nhiên, ngày mai mọi việc đã khác đi nhiều. Các đạo đường mọc lên như nấm và người học võ đa phần chỉ xem đây là một môn thể thao giúp rèn luyện thân thể. Người học viên chỉ có trách nhiệm đóng học phí để được có mặt tại lớp. Người huấn luyện viên thì thu học phí và có trách nhiệm giảng dạy các kỹ năng của mình. Thực tế là khi đã trở thành một người huấn luyện viên Aikido, một người thầy thật sự thì trách nhiệm và đạo đức làm thầy của họ đối với môn sinh còn phải được mở rộng ra khỏi phạm vi thảm tập.


Và cuối cùng, lời khuyên dành cho bạn là trước khi quyết định học tại đạo đường nào thì bạn cũng cần nên đến đó đôi ba lần để thu thập nhiều thông tin hữu ích. Và dù bạn đã chọn cho mình một đạo đường nhưng rồi cảm thấy nơi đó không phù hợp nữa thì cũng không nên ở lại. Việc học Aikido cần phải chọn đúng đạo đường và đúng huấn luyện viên! Lựa chọn đúng sẽ giúp bạn bắt đầu một thói quen, một cách sống mới chứ không phải là sự tuyệt vọng hay buồn chán. Aikido không đơn thuần chỉ ở nơi thảm tập mà còn là ở tất cả mọi nơi.


Với Aikido, bạn không chỉ được học về kỹ thuật từ người huấn luyện viên hay bạn đồng môn mà còn học được cách sống, cách cư xử và đạo đức làm thầy, làm người của họ nữa. Hãy chọn đạo đường Aikido cho mình một cách thông minh và khôn ngoan bạn nhé!


- AikiKen - Aikidotenshinkai.com
Nguồn: Aikido Basics - Phong Thong Dang & Lynn Seiser
Nguồn ảnh minh họa: Google.COM
Editor: LeSy

Lịch sử Aikido Tenshinkai

Aikido Tenshinkai là tên gọi của Aikido tại Việt Nam do tổ sư Morihei Uyeshiba đặt cho Việt Nam vào năm 1968. Liên đoàn Aikido Tenshinkai do thầy Đặng Thông Phong sáng lập và là Chủ tịch cho đến nay.


Ten, Shin và Kai là các từ tiếng Nhật mà phiên âm Hán Việt của chúng lần lượt là Thiên, Tâm và Hội.
Cả cụm từ Tenshinkai có nghĩa trong tiếng Việt là "Tổ chức của những tấm lòng cao cả".

Aikido bắt đầu được truyền bá vào Việt Nam từ năm 1958. Từ đó cho đến nay, sự phát triển của Aikido ở Việt Nam trải qua ba giai đoạn: 1958 - 1964, 1964 - 1975 và từ 1975 đến nay.


Giai đoạn 1958-1964



http://www.thethaohcm.com.vn/Imagethethaohcm.php?path=pic_new/14dangthongtri24_thethaohcm_1215675884.jpg

Đại sư Đặng Thông Trị



Đây là giai đoạn Aikido du nhập vào Việt Nam nhờ công lao của thầy Đặng Thông Trị. Ngoài thầy Đặng Thông Trị, Aikido còn được giới thiệu vào Việt Nam bởi võ sư Judo Hồ Cẩm Ngạc. Tuy nhiên sở trường của ông là Judo và Karatedo cho nên ông không mấy chú tâm vào việc phát triển bộ môn này.


Thầy Đặng Thông Trị sinh ngày 17 tháng 11 năm 1928. Thuở thiếu thời, theo lời khuyên của một người thân trong gia đình, ông đã bắt đầu tập luyện các môn Thiếu Lâm quyền và quyền Anh. Năm 1949, ông bắt đầu làm quen với môn Judo và sau đó là Aikido trong thời gian ở Pháp. Năm 1958, khi trở về Việt Nam, ông lần đầu tiên giới thiệu bộ môn Aikido đến với dân chúng tại Phòng tập Hàn Bái Đường, một võ đường do võ sư Vũ Bá Oai thành lập đầu những năm 1950, và sau đó thêm một số nơi khác. Năm 1960, Hội Hiệp Khí Nhu Đạo được thành lập.


Gần cuối năm 1960, Nakazano Mutsuro, đai đen lục đẳng Aikikai từ Nhật bản qua Việt Nam để hổ trợ ông Đặng Thông Trị trong trong việc phát triển Aikido tại Việt Nam đến tận giữa năm 1962. Giữa năm 1963, Võ sư Abe Tadashi đến Việt Nam và lưu lại Sài Gòn khoảng hơn 2 tháng và mở các lớp dạy tại Đạo đường Trung ương. Cả hai võ sư Nakazano và Abe đều là thầy của ông Đặng Thông Trị trong thời gian ông du học tại Pháp. Năm 1964, Võ sư Tamura Nobuyoshi và phu nhân trên đường sang Pháp có ghé thăm Đạo đường trung ương 3 ngày.


Aikido Việt Nam dần dần phát triển rộng hơn là nhờ công lao đóng góp của lớp người đi trước mở phòng tập và thu nhận môn sinh để đào tạo thêm nhân sự.


Từ ngày ông Đặng Thông Trị về nước cho đến ngày ông rời khỏi Việt Nam năm 1964, phong trào luyện tập Aikido chưa được phát triển mạnh vì là một bộ môn võ thuật mới mẻ đối với nhân dân trong nước, vì thời gian quá ngắn ngủi nên chưa đào tạo được lớp cán bộ để giảng dạy.


Giai đoạn 1964-1975




Thầy Đặng Thông Phong, em trai của thầy Đặng Thông Trị sinh ngày 10 tháng 2 năm 1935. Ông học Aikido từ ông Đặng Thông Trị vào khoảng năm 1958 và sau đó từ Nakazono Mutsuro. Cuối năm 1964, ông Trị giao Đạo đường Trung ương cho ông Phong phụ trách, và 3 tháng sau ông quyết đinh giao toàn quyền cho ông Phong phụ trách Hiệp Khí Nhu Đạo Việt Nam. Đây là giai đoạn mở đầu cho sự phát triển Aikido Việt Nam.


Ông Đặng Thông Phong đã mở nhiều lớp Aikido mới để quảng bá rộng rãi hơn trong quần chúng. Từ đó số môn sinh ngày càng gia tăng đặc biệt trong các giới sinh viên, giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, và giới văn nghệ sĩ. Ý niệm về Aikido, một bộ môn võ thuật tự vệ, tự luyện ý chí với triết lý hòa bình hướng về một cuộc sống thanh cao, lành mạnh đã thu hút sự chú tâm của rất nhiều người, nhiều giới trong xã hội.


Trên đà phát triển như thế, ông mở nhiều lớp đào tạo cán bộ mà với đai đen nhị đẳng vào năm 1964, ông cho rằng ở cấp bậc này khó có đủ uy tín để lãnh đạo môn phái. Ông quyết tâm sang Nhật, đến Hombu Dojo, cái nôi của Aikido thế giới, để bổ túc thêm phần kỹ thuật cũng như để thi lên tam đẳng tại đây. Đến cuối năm 1967, ông thực hiện được hoài bão mà ông đã từng ấp ủ. Tại Hombu Dojo thời gian đó, tổ sư Morihei Uyeshiba vẫn còn ra sân dạy vào mỗi buổi sáng, đồng thời luôn luôn có sự hiện diện của ông Kisshomaru Uyeshiba, sau này là Đệ nhị Chưởng môn Aikido. Ông Đặng Thông Phong có cơ hội thụ giáo cả hai cao thủ này. Trước khi về nước, ông đã dự thi lên tam đẳng tại cái nôi Aikido thế giới. Ngay khi trở về Việt Nam, ông liền soạn thảo bản Nội Quy để thành lập Tổng cuộc Aikido Tenshinkai.


Đầu tháng giêng năm 1968, Đặng Thông Phong nhận được văn bằng tam đẳng từ Aikikai và một ủy nhiệm thư do tổ sư Morihei Uyeshiba đồng ký chính thức ủy quyền cho ông phát triển Aikido trên toàn lãnh thổ Việt Nam trong Tinh Thần Thương Yêu và Hòa Bình.


Tên Tenshinkai là do Tổ sư đặt cho chi bộ Aikido Việt Nam vào thời kỳ Đặng Thông Trị còn tại quê nhà, nhưng chính ông Phong là người được chính Tổ sư Morihei Uyeshiba ủy nhiệm để phát triển Aikido trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Aikido Tenshinkai được công nhận là thành viên của Tổng đàn Aikido thế giới.


Đầu tháng 2 năm 1968, Bộ Nội Vụ Việt Nam Cộng hòa ban hành một quyết định cho phép Tổng cuộc Aikido Tenshinkai chính thức hoạt động.


Trong vòng 10 năm từ tháng 10 năm 1964 đến tháng 4 năm 1975, một số võ đường đã được hình thành dưới sự chỉ đạo của Tổng cuộc Aikido Tenshinkai và đi vào nề nếp.


Giai đoạn từ 1975 tới nay


Sau ngày đất nước thống nhất, trong những năm đầu các môn phái võ thuật đều cấm chỉ hoạt động. Mãi đến năm 1979 các bộ môn như Dưỡng sinh, Thái cực quyền và Aikido được phép hoạt động trở lại. Rồi từ đó các môn phái khác tuần tự được phép đi và sinh hoạt. Năm 1979, ông Phong nhận làm cố vấn cho Aikido Quận 5 do Lý Văn Minh, môn đệ của ông phụ trách. Sau đó, ông mở phòng tập có tên là sân Hawaii tại phường 17 quận 1, rồi ông về quận Bình Thạnh nơi ông cư ngụ và làm cố vấn kỹ thuật và đứng lớp dạy. Ông Nguyễn Thành Công, một đệ tử đai đen của ông Phong có công gây dựng phòng tập này.


Từ khi Hiệp khí đạo được chính thức sinh hoạt trở lại, các đệ tử của ông Phong nối gót ông trong việc phát triển Aikido tại Việt Nam gồm có: Trương Văn Lương, Nguyễn Tăng Vinh, Đỗ Thị Minh Thư, Võ Hoàng Phượng, Lý Văn Minh, Vũ Đại Thảo, Nguyễn Thành Công, Hoàng Việt Hùng, Trần Thị Yến, Ngô Quyền, Đỗ Hồng Nguyên, Trương Văn Thời, Đoàn Chí Công, Lê Viết Đắc, Võ Trường Thọ, Hoàng Kim Cương, Đỗ Kế Toại…


Những người nêu trên đã tiên phong đóng góp cho phong trào Aikido sau khi đất nước được thống nhất. Họ đã có công đàp tạo một lớp người mới mà hiện nay môn sinh của họ trở thành những huấn luyện viên đứng lớp, trưởng bộ môn hay Chủ nhiệm các Câu lạc bộ Aikido. Đó là lớp huấn luyện viên của thế hệ thứ hai và thứ ba tại Việt Nam.


Từ khi ông Phong rời khỏi Việt Nam để sum họp với gia đình tại Hoa Kỳ vào năm 1985 thì mọi sự liên hệ giữa Tổng cuộc Aikido Tenshinkai Việt Nam với Tổng Đàn Aikido Thế Giới xem như không còn nữa. Bộ môn Aikido Việt Nam bị xóa tên khỏi tổ chức Aikido quốc tế.


Năm 1994, ông Phong liên lạc với Hội Aikido tại Thành phố Hồ Chí Minh để thảo luận đường hướng hoạt động và Hội đã chính thức mời ông về nước giúp đỡ. Ông đã mời võ sư Fujita Masatake, Tổng thư ký Tổng Đàn Aikido Thế giới cùng về thẩm định tình hình Aikido Việt Nam và xin tái công nhận Aikido Việt Nam như trước.


Qua chuyến đi lịch sử này, Aikido Việt Nam đạt được nhiều thành quả đáng kể như:




  • Các môn sinh cao cấp của ông Phong trước năm 1975 đều được cứu xét và nâng đẳng vì công lao đóng góp cho sự phát triển Aikido tại Việt Nam sau khi ông rời khỏi đất nước.

  • Hằng năm, Aikikai đều gởi phái đoàn võ sư qua Việt Nam để bổ túc kỹ thuật cho môn sinh.

  • Văn bằng đai đen Aikido Việt Nam được hợp thức hóa ngang với văn bằng Tổng cuộc Aikido Tenshinkai quốc tế theo sự yêu cầu của Liên Đoàn Võ thuật thành phố Hồ Chí Minh.



Trong vòng 10 năm, Hội Aikido thành phố Hồ Chí Minh đã mời ông Đặng Thông Phong trở về Việt Nam tổng cộng 07 lần để giúp đỡ, nâng cao trình độ kỹ thuật cũng như phong đẳng cho một số môn sinh để họ có thêm uy tín trong việc giảng dạy và phát triển bộ môn. Trong các dịp ông có mặt tại Việt Nam, ông cũng kêu gọi mọi người vì tương lai của bộ môn hãy xóa bỏ những tị hiềm, tham vọng cá nhân mà hãy ngồi lại với nhau hầu đưa môn phái mau chóng góp mặt với cộng đồng Aikido thế giới, ông luôn luôn đứng sau lưng họ để hỗ trợ bộ môn.


Tuy nhiên, trong thực tế các học trò cũ của ông Phong không tạo được uy tín để lãnh đạo và phát triển Aikido, không những thế đến cuối những năm 1990, bản thân nhóm Aikido thành phố Hồ Chí Minh cũng không giữ được đoàn kết trong nội bộ Hội Aikido thành phố Hồ Chí Minh và hoàn toàn tách rời Aikido thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương khác.


Đến những năm đầu 90, sau hơn 40 năm giới thiệu vào Việt Nam, Aikido chỉ tồn tại ở thành phố HCM, mang tính câu lạc bộ ở tầm quận, huyện, thành phố. Nỗ lực phát triển Aikido ở các tỉnh khá rời rạc do điều kiện kinh tế, xã hội và giao lưu trao đổi giữa các tỉnh với các võ đường Aikido ở thành phố Hồ Chí Minh.


Mặc dù danh tánh Aikido Việt Nam đã trở lại trên bản đồ thế giới, cho đến nay Aikido Việt Nam vẫn chưa có một tổ chức hợp nhất để đại diện cho quốc gia trong cộng đồng Aikido Thế giới. Trong khi đó, tại hải ngoại, dưới sự lãnh đạo của ông Đặng Thông Phong, Aikido Tenshinkai luôn luôn là một khối duy nhất, mọi người hợp nhất để cùng nhau xây dựng bộ môn võ thuật này.


Trong thời gian từ 1980-1990, mặc dù không có sự giúp đỡ của Aikido thành phố Hồ Chí Minh, AIKIDO đã có mặt ở nhiều địa phương khác như Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Trị, Lâm Đồng và một số nơi khác với sự nỗ lực của các võ sư Lê Viết Đắc, Nguyễn Ngọc Thanh, Hoàng Ngọc Hùng, Cao Quảng Loan, Nguyễn Thiện Hữu. Các vị võ sư này đã dày công đào tạo nên các thế hệ võ sư đương đại đang duy trì và phát triển Aikido ở các địa phương. Các đơn vị Aikido này đã không ngừng giao lưu và phát triển quan hệ với nhiều hệ thống Aikido khác ngoài Tenshinkai, trực tiếp với Aikido Pháp, Aikikai và American Aikikai Association. Nhiều huấn luyện viên của các đạo đường này đã tiếp tục duy trì phát triển, giao lưu, tạo dựng các đạo đường của họ hoặc tham gia vào việc huấn luyện các đạo đường ở Mỹ.


Việc phát triển Aikido ở miền bắc Việt Nam, chỉ thực sự bắt đầu từ 2000, khời đầu với sự hướng dẫn của Võ sư Horizoe Katsumi, 7 Đẳng Aikikai và Philip Châu (một Việt Kiều Pháp) là chuyên gia của Bộ Nông nghiệp, với sự giúp đỡ của các võ sư ở Huế. Do tầm quan trọng về vị trí địa lý chính trị và độ dày đặc của dân số, sự nỗ lực của các huấn luyện viên trẻ, hiện tại các CLB này tiếp tục phát triển khá mạnh mẽ. Họ nhanh chóng góp phần điều chỉnh cảnh quan của bản đồ Aikido Việt Nam.


Như vậy trong vòng 50 năm tồn tại, phát triển, Aikido ở thành phố Hồ Chí Minh phần lớn là do các môn đồ của Tenshinkai phát triển, tuy nhiên mãi đến 2009, những huấn luyện viên cao cấp nhất của Hội thành phố này mới nhận được đẳng cấp của AIKIKAI, cùng lúc và ngang hàng với một số Aikido Hà Nội.


Sự hành thành và phát triển của Aikido ở các tỉnh là kết quả của lòng yêu mến tinh thần và kỹ thuật Aikido của các môn sinh Aikido và quảng giao, tinh thần hiếu học của họ với các bậc thầy Aikido của thế giới. Một số huấn luyện viên của các võ đường này đã được nhận bằng Aikikai từ năm 2000, và tiếp tục phát triển ở các đạo đường Aikido lớn trên thế giới.


Kết quả thụ học và quảng giao này đã thể hiện rất rõ ở lối hành xử và tinh thần Aikido thực thụ của các đạo đường ở các tỉnh, mà không bị ảnh hưởng nhiều của lối suy nghĩ trường phái, học phiệt và cục bộ lũy tre làng, loạn sứ quân.


Có hay không một Aikido Việt Nam?


Mãi đến 2002, sau hơn 40 năm giới thiệu vào Việt Nam, với sự khởi xướng của Aikido Huế, lần đầu tiên Aikido Việt Nam có sự hội ngộ từ 3 miền, đánh mốc lịch sử về sự hiện diện ở khắp 3 miền. Trước mốc lịch sử này, Aikido tồn tại thực sự chỉ ở ngang tầm thành phố, quận huyện, chủ yếu là ở thành phố Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên, Aikido được Ủy Ban Thể dục Thể Thao Quốc gia biết đến như một tổ chức. Trong cuộc hội ngộ ba miền lần thứ nhất tại Huế, được tổ chức ngay trong kỳ Festival Huế như một sự kiện văn hóa lớn tầm quốc gia, UBTD-TT Quốc gia đã cử Phó chủ tịch Ủy Ban Olympic vào tham dự. Các đại diện từ ba miền đã lần đầu tiên đặt vấn đề về việc hình thành một tổ chức mang tầm quốc gia.


Tuy nhiên từ năm 2002 đến nay (cuối năm 2009), quá trình vận động hình thành Hội Aikido Việt Nam vẫn chưa hình thành.


Năm 2009: bùng nổ đai đẳng


Với sự giao lưu của các võ đường ở Hà Nội đã giúp họ giao tiếp trực tiếp với các đạo đường ở Thái Lan, Hồng Kông và giúp một số huấn luyện viên ở các võ đường này nhận được đẳng cấp từ Aikikai.


Võ sư Đặng Thông Phong gần đây cũng đã trở về tổ chức cấp đẳng cho các huấn luyện viên ở một số võ đường mới tại Bắc Ninh và Hà Nội. Cũng trong năm 2009, một số huấn luyện viên và võ sư ở thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận được đẳng cấp của Aikikai, trực tiếp từ đại diện Aikikai tại Thái Lan.

Giữ an toàn trong luyện tập Aikido - P1

Mặc dù có nền tảng triết học mạnh mẽ và chú trọng đến hòa bình và sự hòa hợp, Aikido vẫn là một môn võ thuật. Khi mới quan sát lần đầu, một số người sẽ nói rằng họ có thể thấy được sự dịu dàng mềm mại trong các động tác Aikido. Còn với những người được chứng kiến các đòn khóa khớp đau đớn và các thế té ngã khó khăn trên thảm tập thì sẽ cho rằng Aikido trông có vẻ rất bạo lực. Luyện tập Aikido đòi hỏi có những biện pháp an toàn và cả những nguyên tắc về an toàn cho môi trường mà bạn luyện tập.

Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình luyện tập thể chất nào (trong đó có Aikido), bạn hãy hỏi ý kiến tư vấn từ bác sĩ riêng của bạn. Sớm biết trước những căn bệnh và những hạn chế về cơ thể của mình có thể ngăn ngừa các tai nạn gây chấn thương hoặc tái chấn thương.




Vài nguyên tắc về an toàn cho bản thân


Aikido được dựa trên tình thương yêu bảo vệ vạn vật muôn loài. Điều này bao gồm bản thân bạn và các bạn cùng tập luyện. Mọi việc bạn làm trên sân tập Aikido nên hết sức thận trọng tránh khả năng gây ra chấn thương. Luôn luôn lưu ý sự an toàn khi luyện tập.



Cần phải tuân theo nhiều nguyên tắc cơ bản để việc luyện tập Aikido được an toàn hơn. Đa số các nguyên tắc này là rất cơ bản.

Không đùa giỡn ầm ĩ

Nguyên tắc an toàn cơ bản là không đùa giỡn ầm ĩ. Bạn có thể muốn nhại lại hoặc bắt chước vài đặc điểm của các ngôi sao điện ảnh mà bạn yêu thích. Một hành động nhỏ của bạn có thể làm cho những người tập khác trên sân bật cười vui vẻ nhưng cuối cùng thì nó sẽ làm cho bạn và các bạn khác xao lãng khỏi mục đích mà các bạn đến với đạo đường - đó là học Aikido. Bởi vì Aikido là một môn võ thuật, các kỹ thuật mà bạn tập luyện có tiềm năng gây ra những tổn thương lớn. Cần phải tập luyện các kỹ thuật này mà không được đùa giỡn để giảm thiểu tối đa khả năng có thể xảy ra tai nạn chấn thương cho một người nào đó, có thể là chính bạn. Hãy vui thích khi tập luyện, nhưng hãy nhớ rằng Aikido không phải là trò chơi.

Chú ý

Hãy chú ý những điều huấn luyện viên hướng dẫn bạn, và thực hiện đúng như vậy. Hãy chú ý những động tác của bạn. Hãy chú ý những động tác của người bạn cùng luyện tập với bạn. Hãy chú ý đến không gian chung quanh bạn. Rất dễ bị cuốn theo đà luyện tập của mình và quên rằng những người khác cũng đang luyện tập kế bên bạn, và rất có thể họ còn bị cuốn hút nhiều hơn khi họ đang mải mê luyện tập. Điều này có thể gây ra tai nạn bởi vì cả hai người đang cùng lúc ném người bạn cùng tập với mình vào cùng một chỗ. Sự va chạm có thể rất nguy hiểm. Hãy cố gắng tập trung chú ý vào vị trí mà bạn ném bạn mình tới và chỗ bạn mình sắp ngã xuống. Các kỹ năng nhận thức này đem lại rất nhiều lợi ích khi bạn luyện tập Aikido. Chỉ riêng các kỹ năng này có thể là quy tắc đầu tiên để tự bảo vệ mình.

Các lời khuyên khác về an toàn


Thư giãn là một trong những điều bạn có thể làm để ngăn ngừa các chấn thương và làm tăng thêm tính hiệu quả cho kỹ thuật Aikido.



Nguyên Khí (Sưu tầm) 3C

Lảng tử phó hội, xa đạo đường không lơi trách nhiệm.



Như bao thanh niên khác trong đời, các HLV Aikido Huế cũng phải làm ăn, công tác, mỗi người một phương sau khi tốt nghiệp đại học. Cứ vậy, có người sau khi nhận huyền đai đi Sài Gòn làm ăn, có người đi Hà Nội học cao học, một số về quê công tác. Hội đồng Huyền đai cũng vì vậy mà lúc đầy lúc vơi về nhân lực. Có điều, họ xa đạo đường, ngoài việc tiếp tục duy trì luyện tập, họ vẫn không lơi trách nhiệm tìm kiếm phương cách truyền bá Aikido cho người khác, và phát triển tổ chức Aikido Việt.



Dù có nhiều khó khăn về tài chính, điều kiện công tác, các HLV Aikido Huế đương đại luôn rất chú ý đến vai trò và trách nhiệm của mình trong phát triển Aikido Việt Nam. Họ đã phải tự bỏ kinh phí, thu xếp thời gian để luôn có mặt vào mỗi dịp hội ngộ của Aikido Việt. Mỗi khi có lời hiệu triệu của ban tổ chức, các hành giả Aikido Huế, đặc biệt là các anh huyền đai, huấn luyện viên không còn ở Huế cũng luôn tập hợp, trao đổi, hỗ trợ nhau để hình thành các đoàn riêng hoặc gia nhập các đoàn Aikido Huế để “phó hội” với đồng môn cả nước. Nhìn qua thì thấy là việc đơn giản, nhưng nếu ai đã từng tập võ, xa rời võ đường vì công việc sẽ hiểu được giá trị của tinh thần đoàn kết, vì môn phái của các huấn luyện viên Aikido Huế.



Có mấy người khi xa võ đường một thời gian còn nhớ đến chuyện võ, đa phần “xa sân cỏ, cầu thủ mất nghề”. Các anh Vĩnh Hà, Quang Huy, Đức Chung, Đức Thuận, Đức Huy, Minh đều luôn làm điều ngược lại, mỗi khi họ rời sân tập phải tìm cách vượt qua trở  ngại, duy trì luyện tập, giữ  công phu để khi có điều kiện có thể nhanh chóng gia nhập lại bình thường. Việc tham gia Hội ngộ của các huấn luyện viên trẻ ở các đạo đường như ở Huế không phải là chuyện đơn giản vì hai lý do cơ bản liên quan đến công việc, điều kiện kinh tế. Phần lớn các Huấn Luyện viên Aikido Huế đương đại là những thanh niên trẻ, mới bắt đầu sự nghiệp, họ rất bị bó buộc bởi công việc và lịch thời gian. Ví dụ, cho dù rất muốn tham gia, nhưng trong kỳ hội ngộ 3 miền vừa qua ở Đà Lạt, anh Vĩnh Hà, BS. Minh cũng không thể xếp thời gian đi dự vì tốn nhiều thời gian mà anh Minh thì bận đúng lịch thi, anh Hà thi đang công tác tại nước ngoài.



Việc thứ hai, với một số các anh khác như mới ra trường, kinh phí để tham dự một lần hội ngộ cũng tốn kém không ít. Hơn nữa, các anh lại còn muốn tìm cách để “tài trợ” cho các võ sinh kỳ cựu không đủ điều kiện kinh phí để tham dự, nhằm tạo cơ hội cho các anh em tham gia, tiếp cận với các thầy, các anh ở các đạo đường. Đây là một bước truyền thống trong việc tìm kiếm, đào tạo HLV cho Aikido Huế. Hơn nữa, với các học sinh kỳ cựu này các anh còn có ý “phòng khi các anh em đi xa Huế, còn tiếp tục được tập luyện và phát triển Aikido”. Với nguồn quỹ rất hạn hẹp của đạo đường, việc thu xếp đoàn đi, nhìn đơn giản vậy chứ khá tốn kém cho các Huấn Luyện Viên. Mỗi lần Hội ngộ, các HLV lại tìm cách, liên lạc và “tính”, người đi “tự trả", người không đi được cũng “góp”. Việc tham gia của các HLV Aikido Huế ở xa võ đường vào các kỳ hội ngộ được họ làm với một tinh thần vì môn phái cao cả. Họ luôn ý thức rằng hội ngộ 3 miền chỉ có ý nghĩa khi có cả 3 miền, môn phái chỉ có thể tồn tại, khi hoạt động trong môn phái được người trong môn phái tự giác hưởng ứng. Việc tham gia các kỳ hội ngộ 3 miền của các huấn luyện viên cho dù đang tập ở Đạo đường Đồng Tâm Huế, hay đang ở xa về nhập hội thể hiện rõ nhất suy nghĩ chính chắn và tinh thần luôn hướng về và nỗ lực để hình thành Aikido Việt Nam. Một điều mà nếu những người quan tâm đến sự phát triển của Aikido Việt Nam cần biết, trân trọng và ủng hộ họ.



Trong buổi trao đổi, trò chuyện gần đây, băn khoăn về Aikido Việt, anh Quang Huy tâm sự : “Theo em, điểm quan trọng của Aikido Việt Nam là nên hình thành hệ thống thống nhất, đoàn kết để giúp thanh niên tiếp cận dễ hơn, phát triển hiệu quả hơn. Đi nhiều em hiểu rõ, nó sẽ giúp các võ sinh có cơ hội tốt hơn trong duy trì luyện tập và phát triển Aikido. Mà điều này thì đòi hỏi sự tham gia của mỗi người, có điều chưa làm được ”. Cười tươi trong nắng xuân pha chút gió lạnh, mưa phùn xứ Huế buổi cuối năm, Huy nhìn thẳng vào tôi, nói tiếp “Cái khó thì nhiều, có điều mỗi người nên tự xây dựng phương pháp và cách thức luyện tập riêng phù hợp với hoàn cảnh công việc hiện tại. Em nghĩ nếu ai đã xem Aikido trong tâm mình thì việc dành cho nó thời gian là cần thiết để nuôi dưỡng nó”.



Bài của thầy Võ Đình Thanh, sensei của Aikido Huế.

Aikido là gì?

Đại đa số học viên tìm đến Aikido là chỉ muốn học lấy một môn võ tự vệ. Nhiều người trong số này sau một thời gian theo học, nhất là sau khi đạt được đai đen (nhất đẳng), đã thỏa mãn, ngưng học tập luôn. Có người bỏ theo học môn phái khác để biết thêm những kỹ thuật tân kỳ. Ta phải công nhận là võ phái nào cũng đều có sở trường riêng và những kỹ thuật hữu hiệu của họ. Nếu ta không có một mục tiêu nhất định để chọn lựa một môn phù hợp với thể chất, ý hướng của mình thì chỉ mất thì giờ nhảy từ môn này qua môn khác mà “lạc vào rừng võ, đầy hoa thơm cỏ lạ”, rồi chẳng một môn võ nào học được đến nơi đến chốn cả.