Sunday, February 28, 2010

AIKIDO - Nhập môn - Lễ thức

Thân chào các bạn !
Kể từ hôm nay, để chuẩn bị cho các bạn một số kiến thức rất căn bản khi đến với AIKIDO, mình sẽ viết một số bài hướng dẫn để mọi người tham khảo. Những bài mình post không mang nặng về câu từ mà chỉ là những chia sẻ như buổi nói chuyện bình thường. Có thể sau mỗi ngày tập, chúng ta sẽ cùng thảo luận trên này để bổ sung kiến thức cho nhau.


Bài 1: Lễ thức, một số qui tắc trên sân tập


1./ Sân tập:
Điều đầu tiên, chúng ta cần thống nhất với nhau một quan điểm: dù là phòng tập tư nhân, vị trí ở đâu, có phải là TT TDTT hay không thì một sân tập AIKIDO luôn cần được xem như là một nơi uy nghiêm, cần được kính trọng và tôn thờ. Khi bước lên thảm tập, phải với tâm trạng như đi lễ ở các đền thờ. Nghe có vẻ tâm linh nhưng kính trọng là điều cần thiết.


2./ Võ phục:
+ Các kỹ thuật AIKIDO đa phần đòi hỏi việc lăn, ngã tuy nhẹ nhàng nhưng nếu không mặc võ phục thì bạn cứ tưởng tượng cái gì sẽ bị kéo lên hay tuột xuống !!! Để dễ dàng tập AIKIDO, chúng ta cần phải có võ phục phù hợp. Thường là loại võ phục của Nhật thông dụng, có màu trắng.
+ Khi mặc võ phục, các bạn lưu ý: thân áo bên phải nằm ở dưới, trái nằm trên (tức thân áo trái đè lên thân áo phải - như cách mặc áo sơ mi nam giới). Người Nhật quan niệm thân thể khi còn sống phải hướng về phía mặt trời mọc (hướng Đông), khi mất thì hướng về phía mặt trời lặn (phía Tây). Do đó, người ta chỉ mặc áo có thân phải đè thân trái cho người đã khuất. Đối với nữ giới, trước khi mặc võ phục, cần mặc thêm 1 áo thun trước.
Hình:



[Image]


+ Cách thắt đai: bắt đầu từ điểm giữa vùng bụng, choàng ra sau theo 2 bên và thắt lại, đai sẽ có 1 đoạn chéo ở sau thắt lưng. Mình sẽ hướng dẫn thực hành sau. Các bạn có thể xem trước qua hình động bên dưới



[Image]



+ Hakama: đa phần các võ đường AIKIDO ở VN quy định hakama màu đen dành cho huyền đai trên 18 tuổi hoặc hakama xanh với nữ môn sinh khi đạt cấp độ 6 ( đai xanh 1 gạch - sau đai trắng - thường là sau 2 tháng tập luyện). Tuy nhiên, các tư liệu lịch sử AIKIDO ghi lại, hakama là lễ phục của samurai, người xưa khi đến võ đường AIKIDO đều phải mặc hakama. Hakama không phân biệt màu sắc. Một số võ đường tại VN cũng bắt đầu nhận thấy "cái gốc" của vấn đề và khuyến khích môn sinh nam hay nữ đều mặc hakama. Ở clb của chúng ta, mình không hạn chế việc mặc hay không hakama. Tuy nhiên, ít nhất nữ môn sinh sau khi đạt cấp độ 6 thì cần mặc hakama xanh, nam môn sinh cũng có thể mặc hakama xanh từ khi đạt cấp độ 6 nếu có điều kiện (vì hakama cũng vài trăm nghìn VNĐ). Về quan điểm cá nhân, hakama làm đẹp cho võ phục, đẹp cho cả phòng tập và còn rèn luyện một phong thái khác cho người mặc (khi hiểu ý nghĩa của nó).
Hình Hakama:
[Image]
+ Lễ thức:
"Aikido bắt đầu từ lễ nghi và kết thúc cũng bằng lễ nghi" - Lời của Tổ sư Uyeshiba. Lễ nghi không chỉ ở hình thức bề ngoài mà cả trong tâm hồn. Quan trọng nhất là không đánh mất sự tôn trọng lẫn nhau trong AIKIDO.
Dù là phòng tập riêng, chúng ta vẫn phải tôn trọng các lễ nghi để dễ dàng học được cái cốt lõi của AIKIDO.
- Trước khi bước lên thảm tập: môn sinh phải đứng thẳng, hướng về phía chánh điện (thường là nơi có hình Tổ sư) và cúi người chào. Trong trường hợp mang dép vào phòng tập, bạn cần xoay lưng về phía thảm tập để cởi bỏ dép, sau đó quay lại chào.
- Bái tổ và chào thầy hay đồng môn:


* Khi vào sân tập, người HLV là người thầy và đồng thời là người bạn. AIKIDO yêu cầu các môn sinh phải chào người HLV sau khi chào sân và bái tổ. Người HLV khi bắt đầu vào giờ tập sẽ vỗ tay 3 tiếng, các môn sinh sẽ xếp hàng để chuẩn bị quỳ chào. HLV và môn sinh sẽ hướng về di ảnh của Tổ sư, chắp tay chào để bái tổ, sau đó, HLV sẽ quay lại phía đối diện các môn sinh và cả 2 bên quỳ chào nhau. Trường hợp bạn vào trễ (sau giờ HLV tập trung bái tổ và chào cả lớp), bạn phải chào sân tập, quì hướng về di ảnh tổ sư để bái tổ và tìm đến HLV để chào. Tùy vào lúc đó người HLV đứng hay quỳ mà bạn phải có tư thế chào tương ứng. Động tác quỳ ngồi để nói chuyện, giảng dạy hay chào nhau trong sân tập là truyền thống của đa phần các môn võ Nhật. Việc chào là truyền thống, không mang ý nghĩa đạo giáo hay để phân biệt trên dưới, thể hiện quyền lực.


* Động tác quỳ: nam giới quỳ chân trái xuống trước, chân phải xuống sau, ngón cái chân trái sẽ đè lên ngón cái chân phải và khi đứng sẽ thực hiện ngược lại. Nữ giới thực hiện ngược lại với nam giới. Khi quỳ, khoảng hở giữa 2 đầu gối là khoảng bằng 2 nắm tay, người nữ thì cần khép gối sát hơn. Tư thế quỳ ngoài việc thể hiện lễ nghi, truyền thống còn mang ý nghĩa về mặt sức khỏe. Tư thế quỳ của người Nhật (seiza) giúp cho cột sống thẳng, hông khỏe và tốt cho đường ruột.


Hình ảnh quỳ tại một võ đường AIKIDO:
[Image]


* Lễ nghi khi tập luyện: tập luyện trong AIKIDO đa phần là 2 người cùng tập với nhau (giống như môn phái khác gọi là song đấu - AIKIDO thì không có đấu nên không gọi như vậy). Trrước khi tập với bạn mình, cả 2 đều phải cúi chào nhau trong tư thế đứng hay quỳ, sau khi tập xong cũng phải chào nhau như thể hiện việc cảm ơn đã hỗ trợ.


- Thuật ngữ trong quá trình tập luyện : chúng ta không Việt hóa các thuật ngữ của AIKIDO, người HLV có thể diễn giải ý nghĩa của nó trong tiếng Việt. Việc giữ  ngôn từ nguyên bản thể hiện sự tôn trọng đối với những người sáng lập ra bộ môn.


- Kết thúc buổi tập: khi HLV vỗ tay 03 tiếng, cả lớp tập sẽ quỳ lại như lúc ban đầu, chỉnh tề lại võ phục và chuẩn bị bái tổ để ra về. Có thể trước lúc kết thúc, HLV sẽ yêu cầu các môn sinh ngồi thiền để tĩnh tâm.


Nguồn: Aikido.vn

1 comment:

  1. võ phục mai hùng chuyên cung cấp võ phục các môn võ http://www.maihungco.com

    ReplyDelete