Friday, March 5, 2010

4 Điều quan trọng khi luyện Aikido



Thứ nhất: Hãy thành thật!

Không chỉ riêng trong môn Hiệp Khí Đạo mà trong bất kì môn học nào, sự thẳng thắn luôn luôn thiết yếu. Nhiều người bị những kinh nghiệm của chính bản thân cản trở nên khó có thể học tập một điều gì mới một cách cởi mở. Những người như thế đã vướng vào một tật xấu. Họ thường phê phán sự việc đơn thuần dựa trên căn bản kinh nghiệm hẹp hòi của bản thân và nghĩ rằng cái gì hợp với họ là đúng, cái gì không hợp là sai. Tiến bộ không nằm trên còn đường đó.

Giả dụ, ta có một ly nước đầy, nếu ta cứ đổ mãi vào thì nước sẽ tràn ra và cuối cùng nước còn lại cũng chỉ nhiêu đó mà thôi, nhưng cái ly này đầy sao bạn không dùng cái ly khác to hơn để chứa được nhiều nước hơn ?.Cũng giống như trong đầu bạn luôn cho mình giỏi, mình hoàn hảo (ly nước đầy) thì bạn sẽ không muốn học bất kì điều nào từ người khác nữa, khi đó bạn sẽ không bao giờ tiến bộ nữa và dĩ nhiên thua người khác là chuyện khó tránh khỏi ( cái ly đầy nhưng đó là cái ly nhỏ). Nhưng nếu bạn nghĩ mình còn rất nhiều điều cần học hỏi (ly nước chưa đầy) thì bạn sẽ luôn cởi mở để học bất cứ thứ gì từ người khác miễn là điều đó tốt đẹp, khi đó cái ly của bạn ngày hôm nay sẽ to hơn cái ly ngày hôm qua và nó sẽ to ra mãi (tiến bộ mãi). Nếu đầu bạn chật ních những sự việc này , việc nọ thì bất kể bạn học điều gì, dù hay đến mấy, cũng khó mà học nổi.Thẳng thắn và thành thực là một con đường tốt để bạn vứt bỏ hết những thứ vô ích trong đầu. Hiệp Khí Đạo là một môn học giúp bạn tiến bộ trong việc di chuyển từ một thế giới ca ngợi thân xác sang một thế giới đặt trọng tâm ở tinh thần, từ một thế giới nhị nguyên sang một thế giới tuyệt đối và từ một thế giới chiến đấu sang một thế giới hòa bình. Cũng hệt như ta đi từ một thế giới âm ba sang thế giới siêu thanh vậy.

Trong khi học, nếu bạn không vận dụng mọi sự khiêm tốn thì môn học sẽ không bao giờ tồn tại với bạn. Nhiều người khẳng định rằng họ chẳng bao giờ tin điều gì từ bất cứ ai. Những người đó luôn có cảm tưởng rằng nếu họ không bị ngờ vực thì sẽ bị lừa gạt.Thực ra, điều gì cũng có thể giải thích theo hai cách, hoặc tích cực hoặc tiêu cực. Nhưng rõ ràng sự ngờ vực thường xuyên chì chứng tỏ là ta đã không thể nghĩ tốt ngay cả về những điều tốt Tuy nhiên, cũng nguy hiểm không kém nếu ta tin bất cứ điều gì, bởi vì ta sẽ không thể biết lòng dễ tin của ta sẽ đưa ta đi tới đâu. Dù sao thì con người ngờ vực mọi thứ trên đời khó tránh khỏi hoài nghi ngay cả chính bản thân mình.

Những điều ta nghĩ và những điều ta hoài nghi hoàn toàn khác hẳn nhau, nhưng nhiều người vẫn lẫn lộn hai thứ. Nếu tháo đôi kiếng màu của ta ra và nhìn thẳng, ta có thể bảo cho ta biết đâu là đúng, đâu là sai. Học tập nhiều điều là một việc tốt, nhưng thật ngu dại, nếu chính ta tự làm trở ngại sự tiến bộ của mình bằng cách cứ lang thang trên quãng đường hoài nghi.Vì lẽ đó, trong Hiệp Khí Đạo, con người càng thẳng thắn và thành thực càng tiến bộ mau.

Thứ hai: Hãy kiên tâm !

Nếu bạn bắt đầu một việc gì, bạn cần làm cho tới cùng. Trong trường hợp muốn kiếm một việc gì làm giải trí thì bạn có thể làm đây một chút kia một chút, nhưng một khi đã quyết tâm rằng đây là con đường cần theo đuổi thì bỏ nữa chừng là một lầm lẫn lớn! Sự kiện này còn chứng tỏ bạn khá yếu đuối về ý chí. Trong một vài trường hợp, có những điều kiện và giới hạn buộc bạn không thể tiếp tục việc mà bạn đã bắt đầu, nhưng bởi lẽ Hiệp Khí Đạo diễn tả ngay trong đời sống hằng ngày và bởi lúc nào bạn cũng có thể xác và tinh thần nên bạn không còn lý do gì để bỏ dở cả.

Bất cứ bạn quyết tâm học điều gì, dọc đường thế nào bạn cũng gặp một vài bức tường đá.Nhưng khởi sự một việc gì rồi sau đó bỏ ngay tức thì lại là một việc khác hẳn. Ở trường hợp sau này, người ta đã tỏ ra không có thực tâm muốn đi xa dù khi khởi sự có thể hết sức nhiệt tình. Trong việc rèn luyện Hiệp Khí Đạo cũng không thiếu những người rơi vào trường hợp này. Việc bỏ dở thường xảy ra nhiều ở các tháng đầu, khoảng từ hai, ba tháng tới sáu, bảy tháng. Khi đã theo được một năm thì việc luyện tập tiếp tục có thể kéo dài. Nói khác đi cần phải học hết một năm mới biết mùi vị môn học ra sao. Những người bỏ Hiệp Khí Đạo sau khi theo học chừng một tháng thỉ chưa thể hiều thế nào là Hiệp Khí Đạo cả.

Bất chấp quả chuông to lớn cỡ nào, ta chỉ cần gõ nhẹ nhất định nó phải buông ra một tiếng. Ta cần hiểu, tiếng kêu nhỏ chính là do sự yếu đuối của cái gõ chứ không phải do lỗi của quả chuông.

Cũng như câu chuyện cổ về mấy người mù và con voi.Mỗi người không thể nào sờ được toàn thân con vật mà đã quyết đoán con voi là cái phần mà người ấy sờ tới được.Từng cá nhân thì chẳng người nào nói sai nhưng điều mà mỗi người mô tả lại chẳng hề đúng với sự thật chút nào.Trừ khi ta có thể nhìn thấy toàn thể một vật, ngoài ra ta không thể hiểu rõ vật đó như thế nào.

Trong những năm qua, đã có không ít người đã đưa ra những lời lẽ chứng tỏ họ có thể gom tất cả ưu điểm của nhiều môn võ thành một môn võ. Làm được điều này rồi truyền dạy lại thì quả là hết sức cao đẹp, nhưng vẫn phải coi chừng sẽ rơi vào trường hợp của những người mù sờ voi. Khảo cứu bất cứ một điều gì cho tới mức tường tận thì đâu có dễ, nhất là trong trường hợp đối với một võ phái nói riêng.

Ta vẫn cần luôn nhớ rằng Hiệp Khí Đạo là cái gì ta sẽ tiếp tục suốt đời. Duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới để mình thoải mái và bảo toàn chân khí là những phần của một cuộc đời dễ chịu và hạnh phúc hợp với khí thiên nhiên. Bảo trì tinh thần Hiệp Khí Đạo là một yếu tố cần trong việc phát triển cá tính của ta, trong việc làm cho ta trở thành một phần tử ưu tú của xã hội. Tiếp tục nó suốt đời là con đường đúng để ta theo.

Tất nhiên, trở ngại thì lúc nào cũng đầy rẫy. Bất chợt nản chí, bất chợt muốn buông xuôi hết hoặc bất chợt lại thấy mình quá hoàn hảo tới mức tự mãn. Những lúc đó, việc bỏ cuộc rất dễ xảy ra.Thực ra, mọi trở ngại đều có thể vượt qua nếu người ta không than van, không tìm cách biện bạch cho mọi lý lẽ của mình mà cứ tiếp tục kiên nhẫn thực hành môn học.giữ được thế thì kể như đã đạp đổ bức tường ngăn chặn con đường của ta.Lúc đó, nhãn qua của bạn sẽ mở rộng, sự vật trở nên thú vị hơn và ta sẽ tiến bộ điều đặn. Nếu bất ngờ một bức tường khác lại hiện đến thì việc vượt qua không còn khó khăn nữa. Bởi lẽ, ta đã bước vào thời điểm có thể coi mỗi trở ngại là một bằng chứng về mức tiến triển của ta (tương đương với kì thi lên đai trong võ thuật ). Tục ngữ đã nói : " ta chỉ tới được đức tin thực sự, khi nào đức tin đã thắng được hoài nghi. Cách để giành được điều đó là kiên nhẫn"

Thứ ba: Kỹ thuật và phương pháp huấn luyện

Những người mới theo học Hiệp Khí Đạo thường hỏi : tôi nên nghe theo lời ai bây giờ ? mỗi HLV dường như đều có kỹ thuật và phương pháp huấn luyện riêng.
Dưới cùng một mặt trời và cùng một thứ mưa, cây cỏ vẫn lớn lên và nẩy nở theo những cách khác nhau tùy đặc tính. Dù tất cả chúng ta đều theo nguyên lý cơ bản, nhưng do cá tính mỗi người chắc chắn không thể có sự thống nhất về phương pháp huấn luyện và ngay cả kỹ thuật cũng có thể được biểu hiện khác biệt. Lẽ tất nhiên, ta sẽ không bàn tới những kỹ thuật vẫn phù hợp với nguyên lý đó thì bất tất phải ngạc nhiên trước những dị biệt.


Hiệp Khí Đạo gồm những kỹ thuật thể hiện bản tính vũ trụ qua toàn thể thân xác của con người. Nếu vũ trụ thay đổi theo 4 mùa xuân, hạ, thu, đông thì Hiệp Khí Đạo cũng thế: kỹ thuật đôi khi nhẹ nhàng như gió xuân, đôi khi lại giá buốt như gió mùa thu. Chúng có thể từ đó thay đổi với thời gian và không gian. Nói chung thì người mới bắt đầu tập thường tập những kỹ thuật nhẹ nhàng. Dần dần, khi đã trưởng thành trong Hiệp Khí Đạo , cơ thể đã phát triển thì mới có thể tập những kỹ thuật nặng nề hơn. Vì vậy, nếu ông A dạy những kỹ thuật loại mùa xuân còn ông B dạy những kỹ thuật loại mùa thu và cả hai đều theo những nguyên lý của Hiệp Khí Đạo thì vẫn đúng đường. Những người làm nhiệm vụ huấn luyện vẫn thường nhắc nhau : Hãy xem người rồi mới giảng dạy quy luật.nghĩa là phương pháp huấn luyện tùy theo kinh nghiệm, tuổi tác, cá tính của từng môn sinh

Thường thường môn sinh của mọi võ đường đều hỗn hợp già, trẻ, nam, nữ? Trong trường hợp này, huấn luyện viên bắt buộc phải tùy theo từng đối tượng mà ấn định phương pháp. Cũng như có rất nhiều ngã đường dẫn lên đỉnh núi, có nhiều phương pháp giảng giải đưa tơi sự thấu hiểu một kỹ thuật duy nhất. Vì những lẽ đó, dù kỹ thuật và phương pháp khác nhau, người mới luyện tập cần nghe thật kỹ đều mà HLV hướng dẫn.
học lý thuyết Hiệp Khí Đạo thôi thì chưa đẻ.Bởi lẽ, bạn phải lập đi lập lại bài học cho tới khi nào thể xác và tinh thần bạn thuần khiết, bất kể theo tập với HLV nào. cho nên, cần phải chăm chú và chuyên cần. Nên nhớ rằng những kẻ chẳng làm gì hết, ngoại trừ việc phê phán thì đó là những người ít tiến triển nhất, dù trong Hiệp Khí Đạo hay trong lĩnh vực nào.


Thứ tư: Đẳng cấp

Hiệp Khí Đạo có một hệ thống cấp đẳng mà những ai học tập cần ắt chuyên hẳn sẽ lần lần tiến tối. Mục đích của hệ thống này là kích thích lòng muốn tiến tới và tạo nên sự tự tin.Nhưng đừng để cho những đẳng cấp lôi cuốn bạn. Chỉ muốn lên một cấp mới mà không đủ sức thì quả là nhục nhã. Làm như thế chẳng phải là mong tiến tới thực sự. Đó chỉ là do lòng kiêu căng mà thôi. Mục đích của Hiệp Khí Đạo là rèn luyện sự phát triển cá tính con người. Ta có thể biết đâu là Hiệp Khí Đạo đích thực, đâu là Hiệp Khí Đạo giả dối bằng cách xem nó có phù hợp với những nguyên lý vũ trụ hay không, cá tính phải được cải thiện khi một người tiến lên từ một đẳng cấp thấp lên một đẳng cấp cao. Tiến bộ một chút mà chẳng tiến bộ chút nào trong việc phát triển cá tính thì đi ngược hẳn với Hiệp Khí Đạo và như vậy chẳng đáng được lên cấp cao hơn. Nếu bạn không được lên cấp cao hơn thì đừng xét kỹ thuật của bạn mà thôi. Phải xem cá tính của bạn thiếu kém ở chỗ nào và xem trong đời sống hằng ngày, bạn có làm điều gì trái với những quy luật hay không. Lúc nào cũng lẩm bẩm than phiền về việc không đượcc lên cấp mới là một chứng tỏ chưa trưởng thành trong tinh thần.

Nếu cả cá tính lẫn kỹ thuật đều tiến triển thì dù không mong muốn, Người ta sẽ nhận ra giá trị của bạn và cấp đẳng của bạn sẽ được nâng cao.Cần phải nhớ rằng nếu kẻ khác không nhìn ra điều đó mà chỉ riêng bạn ý thức được giá trị của bạn thì cũng đủ lắm rồi.

(Sưu tầm)



No comments:

Post a Comment