Monday, May 31, 2010

Hệ thống kiến thức và bản lĩnh trong quá trình rèn luyện Aikido

Rất nhiều môn sinh Aikido và người hâm mộ đều coi Aikido là một phương thức giáo dục phát triển con người tốt, lần này tôi trao đổi về một câu hỏi cơ bản của Aikido, “Hệ thống kiến thức đào tạo cơ bản cần có của Aikido Việt Nam bao gồm những gì?”.

Một người sẽ hỏi, “Tại sao phải hỏi câu hỏi này? Có phải nội dung giảng dạy đã được viết trên bảng tên đòn, chương trình huấn luyện rồi không?”

Câu trả  lời, “đi học Aikido không đơn giản chỉ có vậy!”

Việc cung cấp một cái nhìn toàn diện về hệ thống kiến thức Aikido này sẽ giúp các số bạn là môn sinh mới của Aikido có cái nhìn cơ bản về hệ thống học thuật mà mình đang và sẽ thu nhận, học tập và trải nghiệm.

Nếu không có một cái nhìn bao quá về hệ thống kiến thức Aikido, các môn sinh sẽ bị lầm tưởng rằng “bảng tên đòn” hoặc “chương trình huấn luyện” dán trên tường của đạo đường là hệ thống kiến thức của Aikido. Rồi một ngày sẽ tự hỏi “Chẳng lẽ Aikido chỉ có thế thôi ư?”

Nếu không có quan niệm đúng về hệ thống kiến thức của môn phái, các môn đồ sẽ dễ dàng bị các bậc đàn anh đưa vào “mê trận”, không biết người dạy mình ở cấp độ nào trong môn phái?, cái khác giữa võ thuật và võ đạo là gì?.

Nếu không có cái nhìn tổng thể về hệ thống kiến thức Aikido, các môn sinh rất dễ có cái nhìn rất hạn hẹp bởi sự ảnh hưởng của người hướng dẫn và của đạo đường họ đang tập.

Các trao đổi về hệ thống kiến thức Aikido Việt Nam dưới đây hy vọng giúp các môn sinh có cái nhìn đúng mức độ kỹ thuật, hiểu biết, công phu bản lĩnh của mình, các lớp đàn anh các bậc tiền bối.

Có cái nhìn tổng quát về hệ thống kiến thức của Aikido, cũng để giúp các môn sinh chuẩn bị tâm thế và  điều kiện cho quá trình học tập của mình. Cái nhìn này giúp họ có cái nhìn đúng đắn về  các nội dung và phương pháp huấn luyện trong đạo đường.

Phần tiếp theo là  các nội dung chính theo tôi tích hợp kinh nghiệm từ  quá trình học tập của bản thân, nhìn kinh nghiệm hình thành, phát triển và suy tàn của một số các đạo đường, và kinh nghiệm tôi học tập, quan sát và tích lũy từ các bậc đàn anh, các bậc thầy trong Aikido Việt Nam và thế giới.

Võ học và người học võ


http://i243.photobucket.com/albums/ff295/meothamlam/Japan-Aikido/aikido.jpg




Người đời, kể cả nhiều người tập võ thường hiểu một cách khá đơn giản, phiến diện về võ học. Họ thường cho rằng học võ đơn thuần là giúp người ta tăng cường sức khỏe, sự dẻo dai và nhất là giúp người ta khắc địch thủ, thắng bằng những kỹ thuật chiến đấu. Hiểu như vậy chưa đúng lắm. Thực vậy, ngoài những điểm nêu trên, võ học còn mang lại cho ta những đức tính vô cùng đáng quý trong cuộc sống, đó là lòng dũng cảm, sự trầm tĩnh, khiêm nhường, vị tha, nghị lực và sức chịu đựng. Người học võ am hiểu được võ học chỉ dùng vũ lực để giáo hóa cảnh tỉnh đối phương chứ tuyệt nhiên không phải để thỏa mãn sự hiếu thắng của mình. Tuy nhiên, việc dùng vũ lực là hết sức hạn chế. Người học võ phải luôn tự kiềm chế mình, nhường nhịn để tránh dùng vũ lực, đó chính là sự rèn luyện võ đạo. Người võ sĩ thấm nhuần tinh thần võ học phải là người hiếu hòa, khiêm nhượng, có thể đánh thắng đối thủ, nhưng không đánh mà dùng cách ôn hòa để giải quyết, đó là tinh thần thượng võ. Tuy nhiên, muốn thắng người trước hết phải thắng mình, phải thắng được sự khiếp nhược hay tức giận ở mình.