Đại đa số học viên tìm đến Aikido là chỉ muốn học lấy một môn võ tự vệ. Nhiều người trong số này sau một thời gian theo học, nhất là sau khi đạt được đai đen (nhất đẳng), đã thỏa mãn, ngưng học tập luôn. Có người bỏ theo học môn phái khác để biết thêm những kỹ thuật tân kỳ. Ta phải công nhận là võ phái nào cũng đều có sở trường riêng và những kỹ thuật hữu hiệu của họ. Nếu ta không có một mục tiêu nhất định để chọn lựa một môn phù hợp với thể chất, ý hướng của mình thì chỉ mất thì giờ nhảy từ môn này qua môn khác mà “lạc vào rừng võ, đầy hoa thơm cỏ lạ”, rồi chẳng một môn võ nào học được đến nơi đến chốn cả.
Ngừơi Nhật gọi nhất đẳng là shodan, có nghĩa là sơ đẳng, có ý nói rằng tới trình độ này ngừơi học võ mới chỉ gọi là “sạch nước cản”, đừng vội phê bình các kỹ thuật mới học, mà còn phải ôn tập cho điêu luyện. Như vậy, một môn sinh phải học cho biết, tập cho quen và còn phải luyện cho thật thuần thục các chiêu thức mới sử dụng được. Sau đó họ mới nói đến chuyện biến hóa các chiêu đó trong nhiều tình huống.
Chúng ta hãy nhìn vào võ nghiệp của tổ sư của Aikido là Morihei Uyeshiba: ông đã chẳng học tập nhiều môn phái, từ quyền cước tới phép sử dụng nhiều loại vũ khí, môn nào ông cũng đều đạt tới mức tuyệt đỉnh cả, nhưng ông vẫn chưa thoả mãn. Phải đến khi thấm nhuần được giáo lý của một môn Thần giáo, ông mới kết hợp cái triết lý cao siêu này làm phần hồn cho sở học võ thuật của ông và biến võ thuật thành võ đạo. Thế là Aikido ra đời, nhưng ông đã phải tiếp tục hoàn chỉnh tác phẩm đắc ý của ông tới cuối đời mình. Trong khi Aikido chuyển mình biến đổi, ông đã phải hy sinh dứt khoát lược bỏ những chiêu ác hiểm để các kỹ thuật Aikido vẫn hữu hiệu mà vẫn thể hiện được tình thương. Khi từ giã cõi đời, ông đã để lại cho nhân loại một tài sản vô cùng quý báu: Aikido, võ học của TÌNH THƯƠNG.
Với mong muốn nói rõ thêm về Aikido, tôi xin tiếp tục cố gắng trình bày loạt bài viết về bộ môn này và xin các bạn hoan hỉ bổ sung cho những thiếu sót. Xin chân thành cảm tạ.
Trước hết ta cần hiểu rõ Aikido là gì cái đã. Ta có thể tóm tắt như sau : Aikido là phát âm chữ Nhật của ba chữ HIỆP KHÍ ĐẠO. Đó là một phương pháp hoàn chỉnh để xây dựng con người hướng thiện về cả tinh thần lẫn thể chất.
Giải thích từng chữ thì : HIỆP là hoà hợp. KHÍ là thể của vạn vật ( vạn vật đồng nhất thể ). ĐẠO là con đường, là phương pháp hành động đưa ta đến mục tiêu tối thượng. Vậy Aikido lấy TÌNH THƯƠNG làm tinh thần, lấy HÒA HỢP làm phương châm hành động và lấy KHÍ LỰC làm cơ sở để kết hợp mà hoá giải mọi hình thức công kích trong cuộc sống. Với một nhân sinh quan theo sát với quy luật của tự nhiên, Aikido chủ trương xây dựng một tinh thần ổn định, lành mạnh để chỉ đạo, lấy phương pháp tập luyện để thể hiện và khai triển ra thành hành động hầu kiến thiết một tương lai tốt đẹp.
Aikido bao trùm các lãnh vực tự vệ, văn-hóa giáo-dục (cả THỂ, TRÍ lẫn ĐỨC DỤC ), DƯỠNG SINH (với chủ trương nuôi dưỡng một sinh khí hài hòa, một sinh lực lớn mạnh và hiệu quả) lẫn cả NGHỆ THUẬT nữa vì mục tiêu tối hậu của Aikido là CHÂN-LÝ, vốn bao gồm cả ba yếu tố CHÂN – THIỆN – MỸ.
Tuy nhiên việc phổ biến bộ môn này ở Việt Nam còn có nhiều giới hạn vi một số yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan :
1. Chỉ những môn võ nào có thi đấu, có hy vọng mang huy chương về mới được chính quyền hỗ trợ, trong khi Aikido không có thi đấu, nếu không sớm biạ ra một hình thức thi đấu nào thì có mòi khó sống.
2. Phần lớn các quận huyện cho mở sân tập chỉ mong có nhiều học viên để thu nhập được nhiều tiền nên chỉ nhằm đáp ứng thị hiếu của họ, chỉ chủ trương dạy kỹ thuật chứ chẳng để ý gì đến phổ biến kiến thức, lý thuyết của môn phái. Họ chỉ khoái mở các lớp từ đai đen trở xuống cho có đông học viên. Điều đó lại trúng ý một số huấn luyện viên vốn yếu về kiến thức, không muốn để lộ sở đoản của mình, nên cứ lờ đi là thương sách.
3. Nói đúng ra ở trong nước cũng có một số nhỏ người có lòng vói Aikido, đã cố dịch, ấn hành, viết về bộ môn nhưng không có hưởng ứng, hậu thuẫn nên nỗ lực chỉ là công dã tràng mà thôi.
4. Lại nữa, các huấn luyện viên trong nước chẳng quan tâm làm ra chương trình tập luyện cho hậu đai đen khiến nhiều người đậu xong đai đen đã chán nản mà bỏ cuộc. Thay vào đó thỉnh thoảng mỗi khi có kỳ thi lên nhị đẳng lại có một lớp “tập huấn”, giúp thí sinh có cơ hội thi đậu mà thôi.
Ỏ Mỹ đất rộng, người đông, nhiều thầy giỏi, lại nhiều phương tiện truyền thông, người muốn học hỏi hẳn dễ được thoả mãn. Rất tiếc vì còn lo kiếm sống nên tôi chưa có dịp tìm hiểu.
Để chấm dứt bài này, tôi xin trích dẫn một vài di ngôn của Tổ sư:
“ Aikido không là gì khác hơn sự biểu hiện của TÌNH THƯƠNG “.
“ Vũ trụ thành tựu do TÌNH THƯƠNG và chứa dựng một sức mạnh vô biên”.
No comments:
Post a Comment