Theo nguyên ngữ, AI có nghĩa là "hiệp lại", KI là "khí", DO là "đạo, con đường". Như vậy AIKIDO có nghĩa là Hiệp Khí Đạo.
Trong những năm gần đây tại Việt Nam đã có rất nhiều người yêu thích và luyện tập Aikido. Người ta đến với Aikido để tìm sự hoàn thiện và rèn luyện bản thân, rèn luyện những đức tính vốn có trong mỗi con người, đó là tính kiên trì, nhẫn nại và khiêm tốn.
Aikido có xuất xứ từ Nhật Bản do Tổ sư Uyeshiba Morihei (1883-1969) sáng lập vào đầu thập niên 20. Aikido được du nhập vào Việt Nam năm 1958, do công của ông Đặng Thông Trị, người đã thụ giáo môn võ này tại Pháp mang phổ biến môn Hiệp Khí Đạo mới lạ này tại Việt Nam.
Khi sáng lập ra môn phái Aikido, Sư tổ Uyeshiba Morihei đã tuyên bố Akido chính là phương thức liên kết mọi người lại trong hoà bình. Aikido được viết tắt từ 3 chữ AI KI và Do- Đạo, với ý nghĩa Aikido không phải là môn võ hay kỹ thuật chiến đấu đơn thuần, mà đã trở thành một môn Võ Đạo thực sự.
Trong Aikido không có đòn tấn công, không có tính đối kháng khi chống lại các đòn tấn công của đối phương, và khi thực hiện các kỹ thuật, Aikido phải tập trung tinh thần cao độ. Những tiêu chí này được thể hiện rõ trong các kỹ thuật chuyển động, phương thức triển khai kỹ thuật và cả khi khống chế đối phương hoàn toàn. Với các kỹ thuật nhẹ nhàng, uyển chuyển, không có quá nhiều kỹ thuật lắt léo, đòn thế nhiều lúc nhìn như múa, nhẹ nhàng nhưng nếu đánh thì uy lực vô cùng. Aikido là môn võ phù hợp với mọi lứa tuổi. Bất cứ ai cũng có thể tập luyện Aikido: nam giới, nữ giới, người già, trẻ em, và mọi người có thể luyện tập cùng nhau.
Aikido không dùng để đánh nhau hay để trấn áp đối thủ bằng sức mạnh. Nó là môn võ dùng để chế ngự bạo lực của đối thủ với kỹ thuật được sinh ra từ thân pháp của nhập thân và xoay chuyển nên nó không gây đến sát thương đến sinh mạng của đối thủ. Vì thế, có thể nói nó là môn võ xứng đáng với thời đại ngày nay, thời đại kêu gọi sự tôn trọng sinh mạng của con người. Đây cũng chính là nguyên nhân mà Aikido được gọi là môn võ “Hoà”.
Aikido không phải là môn võ cạnh tranh, nó không cần sự đua tranh thắng hay thua, mạnh hay yếu với kẻ khác. Điều cốt yếu của Aikido là tinh thần mong mỏi hoàn thiện mình và sự miệt mài tập luyện, cùng nhau trau dồi các kỹ năng.
Aikido không chỉ đơn thuần là các kỹ thuật đấu võ mà nó còn chú trọng vào việc “tiếp nhận quy tắc và sự vận động của tự nhiên vào tinh thần, cơ thể mình, thể hiện cảm giác hợp nhất giữa con người và vũ trụ ngay trên cơ thể mình”. Mặt khác, Aikido cũng rất coi trọng chữ “ái”, tức là lòng yêu thương của con người đối với vạn vật trọng vũ trụ. Quá trình luyện tập lấy việc theo dõi sự luyện thành của tâm, thân, trên cơ sở trau dồi luyện tập và lòng nhiệt huyết tập luyện cùng bạn đồng môn làm mục đích, vì vậy bất cứ ai cũng có thể tập luyện được. Tập luyện lâu dài không chỉ tốt cho sức khoẻ mà ngay trong sinh hoạt hàng ngày, dù làm bất cứ công việc gì, sự tự tin, nỗ lực một cách tích cực sẽ dần dần được bồi đắp trong bạn một cách tự nhiên. Hơn nữa, tại võ đường, tất cả mọi người đều không có sự phân biệt quốc tịch, chức vụ, tuổi tác và giới tính nên đây cũng là nơi tốt nhất để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Quá trình luyện tập Aikido sẽ không bao giờ kết thúc. Việc duy trì liên tục nguồn sinh lực là cần thiết và nó cũng sẽ trở thành tài sản quý giá cho chính bản thân ta.
Sự truyền bá Aikido ở nước ngoài được bắt đầu từ những năm 1950, và cho đến nay nó đã có mặt trên 70 quốc gia. Vậy là phương pháp rèn luyện tâm, thân, vượt qua mọi biên giới, chủng tộc đã được công nhận trên thế giới với 1.500.000 người đang tham gia tập luyện.
Aikido lấy tình thương làm nguồn cội
Aikido là một môn võ tự vệ, không có nội dung đối kháng, không có trong chương trình thi đấu của SEA Games, Olympic...Aikido lấy tình thương làm nguồn cội. Trong kỹ thuật Aikido, tình thương đã ảnh hưởng tới lối kết thúc đòn thế, loại bỏ mọi độc chiêu, sát thủ, phản ánh lên gương mặt an nhiên tự tại và tạo ra một phong thái đặc thù. Nhờ có tình thương mới có hy sinh, mới biết nhẫn nhịn, kiên trì, tiến tới sự thông cảm và tha thứ để xoá bỏ hận thù ganh ghét. Trong đời sống nhờ biết ổn định được nội tại, quân bình trong tương quan xã hội, giúp con người đạt được khả năng tự thích ứng với nhiều thay đổi, biến chuyển của thiên nhiên để sống khoẻ, lâu và có ích cho xã hội. Chính vì ý nghĩa này, mà hiện nay ở Nhật Bản, môn võ Aikido đã thu hút rất đông người đến võ đường để tập luyện. Môn võ này cũng đã lan rộng tới nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu rõ môn võ này có ảnh hưởng như thế nào, và nó mang lại lợi ích gì đối với cuộc sống của chúng ta?
Được mệnh danh là môn võ thanh cao và khôn ngoan nhất. Aikido được biết đây là một phương pháp hữu hiệu để phát triển, toàn thiện, cùng sử dụng hết các khả năng của con người, cả về thể chất lẫn tinh thần. Thoạt mới nhìn, Aikido có thể được coi như là một phương pháp dùng để tự vệ một cách hữu hiệu chống lại bất cứ một hình thức tấn công nào. Hơn thế nữa, Aikido còn được coi như là một “Dung Pháp”, một con đường kiện toàn trí óc và thân thể, điều hoà các năng lực thể xác và tinh thần của một cá nhân trở thành một con người hoàn thiện hơn.
Vậy thì Aikido khác các môn võ thuật khác như thế nào?
Nếu nói hai môn võ Taekwondo và Karatedo là hai môn võ lấy tấn công, lấy cương làm gốc thì Aikido là môn võ thiên về nhu. Aikido là một môn võ nghệ thuật lấy nhu thắng cương, dùng chính sức mạnh của đối thủ để chiến thắng họ. Hầu hết, các môn võ thuật đều cho rằng mình là một môn võ có những phương cách tự vệ hữu hiệu và an toàn cho mọi người.
Aikido chỉ thuần tuý tự vệ, bất đắc dĩ, bảo vệ mình khi bị tấn công chứ không bao giờ tự gây hấn trước. Aikido hoàn toàn không có những thế, những kỹ thuật tấn công. Khi phát triển đến một trình độ cao, kỹ thuật tự vệ luôn luôn được nhắc nhở và nhấn mạnh là không được huỷ hoại hoặc gây tổn thương nặng cho đối thủ.
Aikido luôn chú ý đến trọng tâm là điểm tập trung năng lực của con người, đó là Khí, là Nội lực và hơn nữa có thể khoáng trương, phát triển ý niệm đó trên các phương diện khác nữa, chứ không chỉ ở trong phạm vi chật hẹp của võ thuật mà thôi.
Ngoài ra, Aikido còn có những phương cách riêng, một chiến lược đặc biệt bao gồm các động tác, các cách thế di chuyển và các kỹ thuật căn bản áp dụng trên đường tròn hay vòng cầu một cách linh động và uyển chuyển. Aikido bảo chúng ta nên và phải tự vệ lấy chính mình. Aikido còn nhắc nhở chúng ta phải tự chịu trách nhiệm về những phản ứng tự vệ, mặc dù là chính đáng nhưng hãy “làm sao đừng gây những tổn hại đáng tiếc cho đối phương”.
Aikido là môn nhu đạo, không đòi hỏi nhiều sức khoẻ của người tập. Aikido sử dụng lực của đối phương để đánh lại chính đối phương nên ai cũng có thể tập Aikido dù thể lực yếu hay khoẻ.
Aikido mang lại lợi ích gì khi bạn luyện tập?
Aikido coi việc luyện tập không phải là phương tiện để chiến đấu với kẻ khác, mà là quá trình tự rèn luyện thể lực và tinh thần. Người tập luyện tập cho mình ý chí tự chiến thắng bản thân “Chiến thắng thật sự là chiến thắng chính mình”. Quả đúng như vậy. Cuộc sống luôn vận động và đặt ra trước mắt ta biết bao thử thách. Những thử thách đó luôn đeo đẳng ta từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi. Đó có thể là những khó khăn trong cuộc sống thường nhật hay có thể là những căn bệnh hiểm nghèo dai dẳng. Tất cả những điều đó có thể khiến cho bạn buồn bã, khó xử hay dẫn bạn đến nỗi tuyệt vọng. Tuy nhiên, nếu bạn có đủ tự tin để vượt qua chính mình thì bạn có thể chiến thắng tất cả.
Aikido rất coi trọng khí chất và tinh thần, luôn đặt chữ ái lên hàng đầu, không rèn luyện dựa vào sức mạnh của cơ bắp mà đề cao sự dẻo dai, tính kiên trì, nhẫn nại và ý chí tự luyện ở mỗi võ sinh. Vì vậy, tập luyện Aikido luôn gắn liền với tinh thần “Chính thắng ngã thắng”.
Chiến thắng bản thân là chiến thắng lớn nhất và khó nhất. Có những việc nghĩ thật đơn giản, nhưng chúng ta vẫn chưa làm được. Chỉ những việc tưởng như đơn giản đáy thôi cũng cho thấy chúng ta phải cố gắng thật nhiều. Và hãy nhớ rằng điều quan trọng là phải vượt qua chính bản thân mình, tự rèn luyện để đẩy lùi những khuyết điểm, hạn chế và phát huy những ưu điểm của bản thân.
Aikido là môn võ không có điểm kết thúc vì khi luyện tập càng nhiều thì cảm giác tập trung về suy nghĩ và chuyển động trong các kỹ thuật sẽ trở nên nhuần nhuyễn hơn và chính trong quá trình đó ta lại nhận thức được những kỹ thuật tiếp theo khác. Tính kiên trì và bền bỉ sẽ được hình thành trong mỗi người.
Aikido không tạo ra tính đối kháng trong các kỹ thuật. Quan điểm của Aikido coi đối thủ là bạn được thể hiện ở nguyên lý chuyển động và kỹ thuật hoá giải các đòn tấn công theo đường tròn có tâm là trọng tâm của cơ thể để tạo sức mạnh cho các đòn đánh và từ đó triệt tiêu tính đối kháng. Khi sự đối kháng được hoà giải thì không còn xung đột, giúp cho con người sống trong hoà bình và hoà hợp với môi trường xung quanh.
Tập luyện Aikido giúp tăng cường thể lực cũng như phát triển trí tuệ và tinh thần. Aikido mang lại sức khoẻ tốt và rèn luyện tư duy suy nghĩ , qua đó giúp các hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Aikido dựa trên những nguyên tắc không tấn công, không đối kháng và không ganh đua. Người luyện tập Aikido không những có thể tự bảo vệ mình trước đối thủ to lớn và mạnh mẽ hơn, mà còn được rèn luyện phẩm tính thông hiểu và tôn trọng người bạn tập.
Tổng hợp -ST-
Tuesday, March 9, 2010
Sơ lược về aikido
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment