Wednesday, March 10, 2010

AIKIDO VỚI ĐỜI SỐNG HIỆN ĐẠI



[Image]



Trong khu vườn, một viên sĩ quan trẻ và một ông lão, mỗi người cầm trong tay một thanh mộc kiếm, cả hai cùng hét “Hey!” và vào thế thủ. Ngay lập tức, viên sĩ quan trẻ tung kiếm nhảy bổ vào tấn công lão già bằng một đòn chém trực diện “shomen uchi” như trời giáng. Ông lão chỉ cần xoay nhẹ thân pháp đã tránh được cú chém thần tốc của đối thủ. Viên sĩ quan cảm thấy rất bất ngờ, tuy nhiên, kịp quay vội người lại, huơ kiếm ra tiếp một đòn chém “naname” vào thái dương ông lão cùng tiếng “Kiai” long trời lở đất. Không khó khăn mấy, ông già lại xoay nhẹ thân pháp như lần trước để tránh lưỡi kiếm hung hăng kia mà không hề phản công lại. Viên sĩ quan càng lúc càng hăng, lại nổi giận vì đối phương không đánh trả nên điên tiết tung ra hết các tuyệt chiêu của mình hòng hạ gục ông lão. Tuy nhiên, với công phu kinh linh của mình, ông lão vẫn ung dung thi triển các động tác xoay hoán thân khiến đối phương thấy ông như chợt ẩn chợt hiện trước sự bao vây của gươm kiếm. Viên sĩ quan trẻ cảm thấy thất vọng và bế tắc, mồ hôi nhễ nhại và mắt như hoa lên, hắn đành vận hết sức bình sinh, hét lên một tiếng thật lớn như để trút hết nỗi phẫn hận tuyệt vọng và nhảy lùi ra sau, đứng bất động. Cả hai cúi đầu chào nhau và chấm dứt trận tỉ thí. Viên sĩ quan hải quân trẻ là một kiếm sư của môn phái Shintoryu Kenjutsu (Thần đạo lưu kiếm thuật), một kiếm phái cổ nổi tiếng của Nhật. Ông già ấy chính là Morihei Ueshiba, vị sáng tổ của môn võ Aikido (Hiệp Khí Đạo). Cũng xin nói thêm, chiêu thức hoán thân để né tránh đòn tấn công trong trận tỉ thí vừa kể là một trong “tứ đại công phu” của Aikido, gọi là Tai no tenkan, đã được tác giả Kim Dung đề cập đến với cái tên Lăng ba vi bộ hay Di hình hoán ảnh.


Vài dòng về Morihei Ueshiba



[Image]



Morihei Ueshiba sinh năm 1882 tại Tanabe, là một võ đạo gia lớn của nhân loại. Năm 33 tuổi, ông được xem như người có võ công cao nhất Nhật Bản. Với thân hình nhỏ bé mảnh mai, cao 1.55m và nặng dưới 50kg, ông có thể quật ngã cùng lúc nhiều võ sĩ vai u thịch bắp, có cả vũ trang, họ bị ném ra xa gần 10 mét mà không hiểu vì sao, cũng không cảm nhận được ông có chạm vào người của họ hay không. Từ năm 14 tuổi, Morihei Ueshiba bắt đầu học nhiều loại võ thuật cổ truyền của Nhật, trong đó có cả lao, kiếm, giáo, côn, nhu thuật ... của người Nhật Bản, môn nào ông cũng đạt đến cấp độ cao nhất. Ông đã từng một mình với thanh kiếm gỗ đi lang thang khắp nước Nhật để tầm sư học đạo, nếu thấy người nào giỏi hơn ông, ông xin lưu lại làm học trò và tập luyện cho đến khi học được tất cả những gì thầy có rồi lại lên đường. Đến một lúc, gần như không còn ai có thể đánh thắng ông nữa.
Tuy nhiên, tưởng đến khi gần đạt được mục đích của cuộc đời mình, một câu hỏi ngày càng lớn trong tâm hồn của ông: “Quật ngã kẻ khác, đánh gục họ xuống, chiến đấu và đàn áp để làm gì? Nếu võ thuật chỉ chừng ấy ý nghĩa, thì đâu là giá trị của nó?”

Sự trực nhận chân lý và định nghĩa về võ đạo


[Image]



Ông tạm gác võ thuật qua một bên, tìm đến những chùa chiền nổi tiếng nhất và nghiên cứu triết lý. Ông đến nơi tĩnh mịch để suy tư. Ông ngồi dưới thác nước giá buốt để mở “cặp mắt của tâm hồn”. Quyết tâm giải quyết cho kỳ được câu hỏi trên, ông sống một cuộc đời vô cùng khổ hạnh. Một mình trên núi, khoa cây kiếm gỗ, ông chìm đắm trong câu hỏi: “Võ thuật là gì?”.

Sau mấy năm suy tư và lê bước khắp nơi, một ngày kia từ một ngọn núi đi xuống, vào trong sân một căn lều, ông xối nước lên mình và nhìn lên bầu trời xanh thẳm. Bỗng nhiên ngay lúc đó, ông cảm thấy trong mình khác lạ. Ông được nâng lên, sảng khoái, nước mắt lăn xuống má trong một cảm giác biết ơn trời đất và trực nhận được chân lý – mình đã hòa nhập cùng vũ trụ.

Sau biến cố đó, võ sư Ueshiba đã giảng cho các môn đệ: “Võ thuật không liên quan gì đến sức mạnh vũ phu dùng để đánh gục địch thủ, cũng như những khí giới lợi hại đưa thế giới đến chỗ tiêu diệt. Những ngành võ thuật chân thật, không tranh đua, điều hòa khí lực của vũ trụ, gìn giữ hòa bình cho thế giới, sinh sản và đưa vạn vật trong vũ trụ đến chỗ trưởng thành. Bởi thế, tập luyện võ nghệ không nhằm mục tiêu tiền khởi là đánh bại kẻ khác, mà thực hành lòng yêu mến trời đất trong lòng ta”.

Từ đó, các ngành võ thuật mà Ueshiba đã tinh luyện trước kia dần dần biến đổi, để cuối cùng tiến hóa thành môn Aikido (Hiệp Khí Đạo). Những đòn thế dữ dội và ghê gớm ông đã tập ngày trước, những môn võ chà nát mọi vật trở thành những kỹ thuật được Ueshiba di chuyển trông đẹp như đang biểu diễn một vũ điệu Nhật Bản, như thể quên hẳn sự có mặt của địch thủ. Nhưng tất cả đều bị quật ngã, họ đã chạm phải sức mạnh của vũ trụ trong thân hình mảnh mai, nhỏ bé của Ueshiba.

Kể từ đó, Ueshiba đưa ra một khái niệm mới về võ đạo: “Võ đạo là tình thương và sự hoà hợp”. Trong ngành võ đạo của Ueshiba không có sự thi thố, so tài hay tương tranh. Cũng có thể vì lẽ đó, sau luật cấm mọi hình thức tập luyện võ thuật trên khắp nước Nhật của Mỹ vào năm 1946, đến năm 1948, Aikido là võ phái đầu tiên được phép hoạt động trở lại trên đất nước Phù Tang. Morihei Ueshiba đi vào cõi vô cùng vào ngày 26/04/1969, nhưng sứ điệp của ông để lại vẫn luôn vang mãi trong tâm hồn của những người yêu chuộng võ thuật trên trái đất này. “Aikido không phải là một kỹ thuật để đánh gục kẻ khác, mà để cải sửa chính tâm hồn bạn, hoà hợp chúng ta với sự di chuyển của vũ trụ.”

Aikido là phương thức giáo dục


[Image]


Nếu bạn đã từng đến thăm một đạo đường Aikido, bạn sẽ thấy tại đây toát ra vẻ lịch lãm, nghiêm trang nhưng rất nghệ thuật từ nghi thức, trang phục cũng như những vòng tròn đẹp mắt từ kỹ thuật của môn võ này. Đặc biệt, Aikido là môn võ độc nhất mang tính chất gia đình vì mọi thành viên đều có thể tham gia tập luyện trong tinh thần võ đạo. Người ta sẽ rũ bỏ được những phiền muộn, mệt mỏi và thay vào đó là sự cảm nhận nguồn sinh lực dồi dào cùng sự sảng khoái. Và vì với tinh thần bất tương tranh trong toàn bộ thời gian tập luyện, không có bất kì trận tỉ thí nào xảy ra ở sân tập, mọi người ở mọi lứa tuổi, giới tính hay mọi tình trạng sức khoẻ đều có thể tham gia một cách an toàn.

Từ những ngày đầu tiên tập luyện Aikido, môn sinh sẽ được học kỹ thuật Shiho-nage, là một kỹ thuật ném 4 phía phỏng theo ý niệm chém tứ phương của kiếm pháp (Shiho= tứ phương, Nage=ném). Một kỹ thuật cực hiệu quả trong hệ thống kỹ thuật của môn phái này. Tuy nhiên, môn sinh không chỉ học những động tác thực hiện, mà phải thấm nhuần ý nghĩa giáo dục của nó. Shiho nage là Shiho hai (bái tứ phương) để cảm tạ (kansa) đấng tạo hoá, tổ tiên, đồng loại và vạn vật; nó cũng có ý nghĩa là Misogi (Khiết), giúp môn sinh tẩy sạch tâm, trí, thể của mình; cuối cùng, nó còn có nghĩa là Kiri Hiraku (thiết khai) để mở ra và giải thoát. Môn sinh khi tập đến kỹ thuật này, phải tự nhắc mình gột bỏ những vết dơ trong tâm trí, phải biết ơn với vạn vật, đấng sinh thành, thầy bạn, đồng đội.

Tăng chỉ số xúc cảm (EQ – Emotional Quotient)

Đa phần các kỹ thuật tập luyện trong Aikido là những bài đa luyện, bắt buộc phải có tối thiểu 02 người tập chung với nhau. Có rất ít các kỹ thuật tập đơn luyện và chỉ xuất hiện ở các kỹ thuật cấp độ cao. Trong Aikido lại không có khái niệm kẻ thù hay đối thủ, họ chỉ có khái niệm là bạn tập, người hỗ trợ. Mọi kỹ thuật của Aikido sẽ không thực hiện được hoàn chỉnh nếu không có sự hỗ trợ của bạn tập. Điều này cho thấy, đây là một phương pháp hữu hiệu để tránh môn sinh không trở thành những “thiên tài đơn độc”, nhận thức được tầm quan trọng của sức mạnh tập thể và các giá trị của sự tương trợ.

Người ta thường xuyên thấy môn sinh Aikido tập luyện bằng cách nắm chặt tay nhau khi tập, trong chừng mực nào đó, có thể hiểu như họ đang tập hoá giải khi bị nắm lấy tay. Một vài người sẽ chê cười, cho rằng đấy là những việc không thực tế, trong đời thường, có ai nắm tay thế này, có ai đưa tay cho anh bẻ thế nọ. Thật ra, luyện tập lâu dần mới hiểu, ngoài cái ý niệm tự vệ, đây là một phương pháp tập để tăng cường khả năng cảm nhận của người tập. Ban đầu, bạn sẽ cảm nhận được các chuyển động của người đối diện, có thể phát hiện ra mọi hành vi của người này mà không dùng mắt, võ học gọi khả năng này là “thính kình”. Bước kế tiếp, nếu bạn chăm chỉ hơn, bạn sẽ cảm nhận được thăng bằng của người đối diện để từ đó bạn có thể tạo ra sự mất thăng bằng liên tục cho người tấn công và kết thúc cuộc chiến bằng cách tạo lại thăng bằng cho họ, đương nhiên trong tình huống kẻ tấn công bị khống chế “một cách an toàn cho cả 02 phía”. Về sau, khả năng cảm nhận này không chỉ dùng lại ở việc khai thác năng lực cảm nhận sự tấn công qua xúc giác thay cho thị giác, nó sẽ tăng khả năng xúc cảm toàn diện của con người. Thoạt tiên là kiểm soát được xúc cảm của bản thân, sau đó là năng lực cảm nhận và hiểu được những người xung quanh. Như vậy, việc tập luyện Aikido đúng đắn, không thực dụng, không cầu thắng, cần mẫn, chăm chỉ sẽ phát huy được xúc cảm.

Một trong những chỉ số để trở thành con người thành đạt theo quan niệm ngày nay là chỉ số xúc cảm.

Tăng chỉ số vượt khó (AQ – Adversity Quotient)

Người có chỉ số AQ cao là người sống tích cực, có khả năng vượt qua nghịch cảnh, không thoả hiệp với khó khăn và không suy sụp khi thất bại. Các nhà tuyển dụng ngày nay luôn mong chờ gặp được những con người như thế, vì họ tin rằng, những người này có sự quyết tâm cao độ, dám đối mặt với khó khăn và có nghị lực xoay chuyển tình thế.
Aikido hoàn toàn không có các chiêu thức tấn công kẻ khác, chỉ có những kỹ thuật tự vệ để kết thúc trận chiến sao cho kẻ tấn công càng ít tổn thương càng tốt. Những ai đến với Aikido chỉ vì mục đích học được những chiêu thức khốc liệt sẽ thất vọng hoàn toàn và đa số họ rời bỏ ngay trong thời gian đầu. Bởi lẽ, trong Aikido, người ta đặt mục tiêu tập luyện lớn nhất là Masakatsu Agatsu – Chính thắng ngã thắng – cũng là di huấn của Tổ sư Morihei Ueshiba. Chính thắng ngã thắng nghĩa là tìm đến chiến thắng thật sự, là chiến thắng bản thân mình, Aikido không nhằm mục đích sửa sai người khác, mà là tự hoàn thiện bản thân. Cuộc sống vốn là chuỗi vận động liên tục, tạo ra các khó khăn và thử thách ngay từ khi con người vừa sinh ra cho đến khi mất đi, đôi khi điều đó dẫn con người đến sự tuyệt vọng. Nếu bạn chiến thắng bản thân, bạn sẽ vượt qua được các thách thức hay khó khăn của cuộc đời này. May mắn thay, người tạo ra Aikido rất chu đáo khi hệ thống hoá các bài tập của Aikido để môn sinh của Người đều đi tìm chiến thắng lớn nhất. Trong kỹ thuật của Aikido, không có một chuẩn mực để xác định thế nào là thực hiện kỹ thuật một cách hoàn thiện nhất. Người tập Aikido hằng ngày phải tự trau chuốt, mài giũa kỹ thuật của mình, phải cố gắng để kỹ thuật càng nhuần nhuyễn, sắc bén hơn. Thực tế, những cố gắng này không bao giờ đưa người tập đến đỉnh cao của một kỹ thuật nào đó, mà người tập đang cố gắng để hoàn thiện bản thân mình. Cũng từ đó mà tính kiên trì và bền bỉ được phát triển mạnh mẽ trong những con người Aikido. Họ tập luyện để đẩy lùi những khuyết điểm và phát huy những ưu điểm của bản thân.

Ý thức được tầm quan trọng của qui trình

Xin lấy kỹ thuật Shiho-nage ra làm một ví dụ. Người tập Aikido thực hiện kỹ thuật Shiho-nage để ném ngã đối phương bằng cách tạo ra vòng tròn động để lôi cuốn đường tấn công và đường xoắn ốc để xoay người, làm mất trọng tâm và ném đối phương. Người tập chỉ cần thực hiện đúng các bước thì có thể ném ngã đối phương to hơn mình rất nhiều mà không cần thiết phải dùng sức mạnh cơ bắp. Ngoài ra, người tập phải hiểu được nguyên lý hướng dẫn năng lượng tấn công vì năng lượng đi trước vật chất. Có thể hiểu Shiho-nage là một qui trình, người thực hiện tạo ra qui trình, sự vận hành của qui trình sẽ đưa đến kết quả như họ muốn, rõ ràng, kết quả của việc làm ngã kẻ tấn công không phải do sức lực của người thực mà do qui trình shiho-nage tạo ra. Trong hệ thống kỹ thuật của Aikido, người tập luyện luôn tạo ra một tiến trình, tiến trình này là sự kết hợp các nguyên lý về vật lý học, thần kinh học để kiểm soát đối phương chỉ với cố gắng tối thiểu và đạt được hiệu quả tối đa.


[Image]
Minh hoạ kỹ thuật Shiho nage



Đối mặt nhưng không đối đầu

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta sẽ phải gặp những khó khăn, có khi lại gặp sự va chạm. Một phản ứng rất tự nhiên, người ta sẽ thu rút mình lại để tránh né cái khó hay ngược lại là phản công trực tiếp cho dù phải tạo ra một phản lực lớn. Giải pháp lý tưởng nhất khi gặp khó khăn hay va chạm đó là sự đối mặt với khó khăn và tìm cách hoá giải hiệu quả nhất. Dĩ nhiên, nói thì dễ nhưng làm mới khó, không phải ai cũng có thể thực hành tốt phương pháp này vì để làm được, phải có sự tự tin, dũng khí, bản lĩnh và có năng lực giải quyết vấn đề. Kỹ thuật Irimi nage là kỹ thuật được nhìn thấy thường xuyên ở các đạo đường Aikido. Irimi là kỹ thuật đặc sắc, các bước chân của Irimi giúp cho môn sinh Aikido có thể di chuyển tiến thẳng vào đường tấn công nhưng không trực tiếp lãnh nhận hay cưỡng lại lực tấn công của đối phương. Đây chính là một nghệ thuật đối mặt nhưng không đối đầu. Dĩ nhiên, để đạt được trình độ thực hiện kỹ thuật Irimi như tôi kể, người tập phải tự rèn luyện đến mức có đủ dũng khí, đủ năng lực và khả năng quyết đoán thời điểm thực hiện để đi thẳng vào cái chết và giành lấy sự sống.

Triệt tiêu sự xung đột và thực hiện lòng nhân ái

Hiếm khi người ta tìm thấy được các kỹ thuật “hoà” trong võ thuật hay thậm chí võ đạo như ở Aikido. Chính đây cũng là sự khác biệt của Aikido và các võ phái khác. Trong Aikido, người ta không bỏ thời gian ra để tập luyện cho tay chân trở thành sắt thép, để có thể đoạt lấy mạng sống hay sự lành lặn của người khác một cách nhanh nhất vì kỹ thuật Aikido đơn giản là những vòng tròn có tâm là trọng tâm của cơ thể, được tạo ra từ các động tác xoay chuyển nhằm tăng sức mạnh và từ đó triệt tiêu tính đối kháng. Không có sự tồn tại khái niệm đối kháng trong Aikido.Những chiến thắng do tương tranh mà có là những chiến thắng tương đối vì cũng có lúc bạn sẽ phải là người bại trận, trong khi những chiến thắng mà không cần tương tranh là chiến thắng tuyệt đối. Nói như vậy, có nghĩa là hành giả Aikido phải triệt tiêu sự tương tranh, tính đối kháng hay hấn khí từ trong suy nghĩ của người khác.
Với Aikido, mục đích tối cao là xây dựng một thiên đường trên trái đất, đầy ắp tình yêu thương và hoà bình. Chữ Ai trong Aikido được hiểu khác với chữ Aiki của người Nhật (Aiki là thuật ngữ võ học nói về một nghệ thuật chiến đấu cổ xưa thực hành bằng cách phối hợp chính xác về yếu tố thời điểm và sự hợp nhất). Chữ Ai (合 - hoà hợp) đồng âm với chữ Ái (愛- yêu thương). Chữ Ai (合) gồm một mái nhà, một chữ nhất, một chữ khẩu, như muốn tượng hình cho câu nói bất hữu của Morihei Ueshiba: “Vũ trụ nhất gia”



[Image]



Đoạn kết

Để kết thúc bài giới thiệu ngắn về Aikido, tôi xin lặp lại mục đích lớn nhất của Aikido là tình thương và sự hoà hợp. Thật ra, có rất nhiều, rất nhiều câu chuyện nói về Aikido mà nhân vật chính là Tổ sư Morihei Ueshiba và các môn đệ của người. Tuy nhiên, tôi không muốn trở thành kẻ huênh hoang nói về võ đạo của mình nhờ ánh hào quang của những tên tuổi lớn. Tôi viết bài này với sự kết hợp của những thông tin phổ biến và từ Aikido “của tôi”.

Aikido là một võ đạo sử dụng kỹ thuật tự vệ làm công cụ để rèn luyện bản thân toàn diện: thể xác – trí tuệ – tâm hồn. Chính vì nét hiền hoà, triết lý sâu sắc, quan điểm võ đạo phù hợp với sự phát triển của nhân loại – hoà bình và tình thương, hiện nay có rất nhiều người tham gia tập luyện Aikido, đa số các quốc gia đều có đạo đường Aikido, một số trường Đại học danh tiếng thế giới đã đưa Aikido vào chương trình giáo dục thể chất ( như Đại học Massachusetts), tại nước ta có Đại học Ngoại Thương (Hà Nội), Đại học Bách Khoa (TP.HCM), Đại học RMIT, Đại học Xã hội Nhân văn (TP.HCM).

Nếu bạn đang tìm những khoá học giúp cho mình có một cơ thể, một tinh thần khoẻ mạnh, có khả năng tự bảo vệ mình, tăng các chỉ số cần thiết để có thể trở thành người thành đạt, Aikido sẽ là một lựa chọn tối ưu cho bạn.

Aikido.vn

No comments:

Post a Comment