Friday, March 12, 2010

Lễ thức và tâm ý




[Image]




Chúng ta vào Đạo đường như vào một đền chùa, với tâm tình khiêm cung và thành khẩn, vì Đạo đường là nơi ta đến để tầm sư học đạo.

Bài học đầu tiên phải là lễ thức, đó cũng là bài học cuối cùng khi người môn sinh rời Đạo đường để trở lại với đời.Khi Thầy chưa đến, các môn sinh lên thảm và tự động tập nóng người. Không tụm năm tụm bảy, kẻ đứng người ngồi. Nếu có phụ tá hoặc trưởng lớp thì họ sẽ phụ trách khởi động cho lớp.Khi thầy đến, người nào thấy trước sẽ vỗ tay ba tiếng và mọi người vào hàng quỳ tĩnh tọa để chào Thầy.

Thầy sẽ bái tổ rồi vào vị trí Shihan Dai để cùng các môn sinh thi lễ.

Trên thảm tập, có khi chào đứng, có khi chào quỳ. Dù cách nào chăng nữa thì môn sinh cũng phải cúi rạp mình để tỏ lòng tôn kính.




[Image]

[Image]

[Image]




Khi Thầy dạy đòn, môn sinh không đứng nghe, mọi người trong nhóm tập (chẳng hạn như kyu 4, kyu 3) đều quỳ để xem Thầy hướng dẫn đòn. Khi Thầy chấm dứt, mọi người cảm tạ (bái lễ) và đứng lên tập: không tự động tập đòn khác ngoài đòn do Thầy hướng dẫn, vì “muốn biết một đòn phải đánh 100 lần, muốn hiểu một đòn phải tập 1.000 lần và nếu muốn tinh thâm thì phải luyện 10.000 lần”.

Nói đến lễ thức mà không đề cập đến lễ phục là một thiếu sót lớn. Vào thời Tổ sư, mỗi môn sinh các cấp (từ đai trắng mới nhập môn) đều mang Hakama. Lý do thật đơn giản: đã vào đền thì phải mặc lễ phục. Mà lễ phục thì phải sạch sẽ, tươm tất, chỉnh tề.

Tại các Đạo đường Việt Nam, sự thiếu vệ sinh là một điều làm cho khách nước ngoài thấy khó chịu, khiến họ đôi khi ngập ngừng không muốn lên sân. Một võ sư Nhật đã từng viết: “Đạo đường là biểu hiện tâm hồn của Đường chủ”. Nếu Đạo đường bài trí luộm thuộm, nhện giăng, bụi bám, khách tham quan không thể không coi thường thầy trò của nơi này.

Khi lớp đang tiến hành mà có khách đến tham quan thì công việc tiếp đón và hướng dẫn là của phụ tá hoặc lớp trưởng. Nếu khách muốn gặp Thầy, phụ tá sẽ mời Thầy tiếp khách.

Cuối giờ tập, Thầy vỗ tay ba tiếng, mọi người trở lại vị trí  và chuẩn bị bái Tổ, chào sân. Thông thường chúng ta dùng một khoảnh khắc để tĩnh tọa: trầm vai, lỏng chỏ, thẳng eo hông, trống trong bụng, trống trong đầu, chúng ta để cho tâm hồn vắng lặng.

Lễ thức chỉ là rỗng tuếch nếu không có tâm ý bên trong. Hãy thi lễ một cách thành khẩn thiết tha. Luôn luôn zanshin, như khi chúng ta công phu vậy.



BÙI BÀN SƠN

No comments:

Post a Comment