Một người sẽ hỏi, “Tại sao phải hỏi câu hỏi này? Có phải nội dung giảng dạy đã được viết trên bảng tên đòn, chương trình huấn luyện rồi không?”
Câu trả lời, “đi học Aikido không đơn giản chỉ có vậy!”
Việc cung cấp một cái nhìn toàn diện về hệ thống kiến thức Aikido này sẽ giúp các số bạn là môn sinh mới của Aikido có cái nhìn cơ bản về hệ thống học thuật mà mình đang và sẽ thu nhận, học tập và trải nghiệm.
Nếu không có một cái nhìn bao quá về hệ thống kiến thức Aikido, các môn sinh sẽ bị lầm tưởng rằng “bảng tên đòn” hoặc “chương trình huấn luyện” dán trên tường của đạo đường là hệ thống kiến thức của Aikido. Rồi một ngày sẽ tự hỏi “Chẳng lẽ Aikido chỉ có thế thôi ư?”
Nếu không có quan niệm đúng về hệ thống kiến thức của môn phái, các môn đồ sẽ dễ dàng bị các bậc đàn anh đưa vào “mê trận”, không biết người dạy mình ở cấp độ nào trong môn phái?, cái khác giữa võ thuật và võ đạo là gì?.
Nếu không có cái nhìn tổng thể về hệ thống kiến thức Aikido, các môn sinh rất dễ có cái nhìn rất hạn hẹp bởi sự ảnh hưởng của người hướng dẫn và của đạo đường họ đang tập.
Các trao đổi về hệ thống kiến thức Aikido Việt Nam dưới đây hy vọng giúp các môn sinh có cái nhìn đúng mức độ kỹ thuật, hiểu biết, công phu bản lĩnh của mình, các lớp đàn anh các bậc tiền bối.
Có cái nhìn tổng quát về hệ thống kiến thức của Aikido, cũng để giúp các môn sinh chuẩn bị tâm thế và điều kiện cho quá trình học tập của mình. Cái nhìn này giúp họ có cái nhìn đúng đắn về các nội dung và phương pháp huấn luyện trong đạo đường.
Phần tiếp theo là các nội dung chính theo tôi tích hợp kinh nghiệm từ quá trình học tập của bản thân, nhìn kinh nghiệm hình thành, phát triển và suy tàn của một số các đạo đường, và kinh nghiệm tôi học tập, quan sát và tích lũy từ các bậc đàn anh, các bậc thầy trong Aikido Việt Nam và thế giới.
1. Kỹ thuật đòn thế Aikido
Đây là cấp độ thô sơ nhất của môn sinh Aikido. Nếu người tập, bất kể là bao nhiêu năm, được cấp đến bao nhiêu đẳng, nếu chỉ biết và dừng lại ở mức độ này thì vẫn chỉ mới biết chút ít bề ngoài của Aikido.
Tuy nhiên đây là nội dung cơ bản nhất của Aikido, thông qua kỹ thuật để hiểu và trải nghiệm và phát triển các mức khác của quá trình rèn luyện Aikido. Không thể có một môn sinh Aikido mà không biết kỹ thuật Aikido. Aikido trước hết trú dưới hình thức một võ đạo, cần phải luyện thành thục các kỹ thuật mới hiểu được. Do vậy đây là nội dung căn bản đầu tiên, không thể thiếu.
2. Công phu Luyện Khí và Hiệp Khí trong kỹ thuật
Khí và Hiệp Khí là hai nội dung, là năng lượng căn bản của uy lực và thực lực của các kỹ thuật Aikido. Nó thể hiện bản lĩnh và công phu của môn đồ Aikido. Nếu luyện Aikido không tăng cường được Tam Khí (Nguyên Khí, Hiệp Khí và Dũng Khí) thì quá trình luyện tập có vấn đề. Đòn thế Aikido mà không có khí thì chỉ là cọp giấy, rồng tre, hữu danh vô thực.
Trong kỹ thuật, khí thể hiện công lực của đòn thế, sản phẩm của luyện công phu Kokyu Ho, các kỹ thuật và Thiền. Luyện tọa thiền, định thân, định thần, tồn phát khí thông qua các kỹ thuật. Hiệp Khí là khả năng vận dụng đòn thế theo nguyên lý Hiệp. Nó bao gồm Hiệp các bộ phận cơ thể với nhau, với đòn thế. Hiệp với kỹ thuật của đối thủ, hợp với tình huống và ứng dụng. Nó còn thể hiện thông qua khả năng phối hợp khí, thân thủ bộ pháp với các loại vũ khí.
Aikido có đặc điểm tập với UKE, tập trong đạo đường. Các môn đồ cần biết, hiểu và thực tập nghiêm ngặt các lễ thức, luật lệ của đạo đường và các đạo lý, nguyên tắc cơ bản của môn phái. Đạo lý tình thường và nguyên tắc hiệp khí cần phải được vận dụng trong quá trình luyện tập kỹ thuật của mình.
3. Kỹ năng ứng xử Hiệp Khí trong quản lý và giảng huấn
Aikido vốn được coi là Võ đạo, mục đích cao hơn nhiều so với việc thi triển kỹ thuật để kiểm soát, khống chế đối thủ. Aikido là một cách sống, một phương pháp để giúp phát triển con người với tinh thần đề cao tinh yêu nhân loại, thiên nhiên và lối sống đề cao sự tương trợ, hợp lực để phát triển. Tinh thần này hợp với nhiều nét đẹp của văn hóa Việt Nam về tinh thần đoàn kết, tương trợ, sống gần gũi và gắn bó với thiên nhiên.
Chữ Hiệp, khởi đầu cho Hiệp Khí Đạo hàm ý là chúng ta đang sống ở trong một thế giới đa dạng, đầy sự khác biệt. Vấn đề không phải là đàn áp, ép buộc mọi thức, mọi người, mọi suy nghĩ thành một thứ. Vấn đề là chấp nhận thực tế khách quan là tính đa dạng của thiên nhiên, con người, văn hóa là cơ sở cho sự tồn tại, phát triển bền vững, làm sao ta có phương thức để có thể chung sống trong hòa bình, một thế giới tràn đầy tình thương, mọi người tương trợ, hỗ trợ cho sự phát triển của mỗi người và của xã hội chung.
Khả năng sử dụng Hiệp Khí trong giảng dạy có thể bao gồm đưa ra kỹ thuật phù hợp cho học trò, tùy theo lứa tuổi, thể chất, khả năng, trình độ, vị thế xã hội của môn sinh. Có cách thức tổ chức hoạt động của đạo đường phù hợp với văn hóa, thiên nhiên, hoàn cảnh xã hội của vùng đất. Nó còn thể hiện tính sáng tạo trong luyện tập và thiết kế phương pháp, dụng cụ, kỹ thuật luyện tập.
Do vậy khả năng ứng xử với nguyên lỹ Hiệp Khí trong giảng huấn và quản lý đạo đường Aikido cần được coi là một tiêu chuẩn trình độ của các môn đồ Aikido. Đây cần coi là một tiêu chuẩn quan trọng vì những người có khả năng luyện tập và sử dụng kỹ năng này là những người có cơ hội và vị trí đặc biệt trong môn phái Aikido. Cũng là tiêu chuẩn để tuyển chọn và đào tạo huấn luyện viên, lãnh đạo tương lai của Aikido.
4. Khả năng sử dụng nguyên lý Hiệp Khí trong lãnh đạo đạo đường và phong trào Aikido:
Đây là kỹ năng đòi hỏi phải có của các lãnh đạo của Aikido và phong trào Aikido. Nó đòi hỏi khả năng sử dụng, thể hiện nhuần nhuyễn kỹ thuật, triết lý trong cộng đồng Aikido rộng lớn. Người có trình độ này thể hiện người có Tài (kỹ thuật, khí lực, hiểu biết nguyên lý, triết lý), có Tầm (có tầm nhìn rộng lớn, vượt qua cái tôi, cái đạo đường của mình, có cái nhìn về tương lai, định vị được tương lai của phong trào, có khả năng hình thành và thích ứng với các thể chế văn hóa, chính trị để phát triển Aikido) và có Tâm (muốn và thực tâm đóng góp cho phong trào và cộng đồng Aikido của Việt Nam).
Với hơn ngàn năm nhào nặn, phát triển về kỹ thuật, hơn một thế kỉ phát triển từ võ thuật thành võ đạo, lịch sử Aikido là điều các môn sinh phải hiểu để biết giá trị võ đạo tình thương, tinh hoa của võ đạo Nhật Bản. Với hơn nửa thể kỉ du nhập vào Việt Nam, Aikido Việt Nam cũng đã thể hiện được sức cuốn hút và giá trị của môn phái ở Việt Nam. Nửa thế kỉ qua, Aikido Việt đã trải qua không ít thăng trầm, để lại không ít bài học, kinh nghiệm. Nhiều nhân vật quan trọng có vai trò đặc biệt cho việc hình thành, quảng bá, phát triển Aikido ở Việt nam. Hiểu và biết các kinh nghiệm của các nhân vật lịch sử Aikido cũng quan trọng không kém trong việc giảng dạy, và hành xử giữa các đạo đường và lãnh đạo phong trào chung.
Một phần quan trọng trong hệ thống kiến thức của Aikido liên quan đến lịch sử, triết lý, và quá trình tiến hóa thích ứng của Aikido thế giới và Aikido vào Việt Nam. Nếu không có kiến thức đầy đủ về lịch sử môn phái, các hành giả Aikido sẽ gặp khó khăn trong việc có thái độ đúng với các đồng môn, đặc biệt là các bậc lão thành, bậc thầy hoặc đàn anh của mình. Sự khiếm khuyết về lịch sử phát triển sẽ dẫn đến khó khăn trong ứng xử ở tầm lớn, vô lễ bất thành võ. Mặt khác khiếm khuyết về lịch sử phát triến, sẽ có thể dẫn đến việc lặp lại các lỗi lầm cũ, hoặc tốn công làm lại những việc các thế hệ đi trước đã làm, gây lãng phí và khó khăn không cần thiết cho sự phát triển chung. Đây là một cấp độ cao của kiến thức và trình độ của quá trình rèn luyện Aikido.
5. Khả năng sống Hiệp Khí và hợp hợp, vận động cộng đồng
Trong lịch sử, Aikido là môn phái đầu tiên được cho phép trở lại giảng dạy cho thanh niên Nhật sau chiến tranh thế giới thứ II, sau sự sụp đổ của Phát Xít Nhật. Aikido được coi là một cứu cánh cho sự sụp đỗ của tinh thần Võ Sỹ Đạo cực đoan Nhật Bản. Aikido được Tổ sư đem ra giảng dạy cho công chúng như là một phương pháp giáo dục về cách nhìn, phương thức sống vì hoa bình, hướng thiện và nhân sinh quan Hiệp Khí. Con người nhân loại phải biết sống với nhau, hỗ trợ và hợp tác với nhau để phát triển.
Người luyện Aikido ở mức cao cần thiết phải coi mình là đại sứ, mang lại thông điệp “hòa bình, tình thương, hợp tác” với nhân sinh và thiên nhiên.
Các cao thủ Aikido phải có khả năng thể hiện bản lĩnh, trình độ của mình trong cuộc sống, gia đình, tập thể và xã hội. Trở thành người tập hợp, những người có khả năng nhìn thấy và giúp cộng đồng xử lý các xung đột, mâu thuẫn, giúp mọi người nhìn thấy cái cái giá trị của hòa bình, tình thương, hợp tác.
Là người luyện tập triết lý tình thương thông qua hình thức võ thuật, trải nghiệm qua các hình thức giao tranh, sinh tử. Cao thủ Aikido cần phải hiểu rõ “nguyên khí” của mình, có trình độ để sử dụng “Hiệp Khí” vào đời sống. Cái quan trọng là có “Dũng khí”, dám làm cái cần làm trong phong cách, triết lý Hiệp Khí. Thiết nghĩ đây là trình độ cao của một bậc cao thủ của Aikido. Một trình độ có thể nói là, cảm nhận thấy rồng bay, vẫn vũ quần xoay.
6. Khả năng tích lũy kinh nghiệm, kiến thức phát triển hệ thống kiến thức, học thuật Aikido.
Đây là mức trình độ thượng thừa của một môn đồ Aikido, sở dĩ như vậy là vì người có đủ trình độ này, hiểu rõ cái được cái thiếu của Aikido; hiểu cái hợp và cái chưa phù hợp của Aikido trong nền văn hóa, trong điều kiện xã hội, vùng đất mà các môn đồ Aikido đang sinh sống tồn tại. Người có đủ trình độ và kiến thức ở mức này đương nhiên là người hiểu rõ có đủ bản lĩnh kỹ thuật để hiểu cái gì gọi là Aikido cái gì chưa phải là kỹ thuật Aikido. Những người này có khả năng tích hợp kiến thức, kinh nghiệm để giúp phát triển Aikido, đóng góp cho nền học thuật, hệ thống kiến thức của Aikido.
Nếu kết hợp cả 6 điều kiện trên, bản thân tôi, theo văn hóa Việt, xin kính gọi với mấy chữ “bậc thầy” của Aikido Việt Nam.
Cuối tuần vài dòng trao đổi với mọi người cho vui, hy vọng giúp các môn sinh Aikido Việt Nam có thêm điều để suy luận, và trao đổi cho vui, vì sự phát triển của Aikido Việt.
Nguồn: Võ Đình Thanh - Aikido Huế
Theo aiki-viet.com.vn
No comments:
Post a Comment