Wednesday, March 31, 2010

Khái quát lịch sử Aikido Huế

Người đầu tiên đưa Aikido đến Huế phải kể đến là thầy Nguyễn Ngọc Thanh (vào khoảng năm 1972). Nhưng ông không chính thức phát triển Aikido tại Huế vào lúc đó mà chỉ cùng tập với những người bạn sinh viên cùng thời và cũng cùng tập luyện nhiều môn võ khác nhau.


Mãi đến tháng 05 năm 1991, được sự động viên hỗ trợ của Ban chủ nhiệm Nhà Văn hoá Thanh niên Thành phố Huế cùng sự khích lệ của một số người rất quan tâm và yêu thích Aikido ở Huế như ông Lê Phùng (Chủ nhiệm Nhà văn hoá Thanh niên), ông Nguyễn Văn Thịnh (Nhà Văn hoá Thiếu nhi Huế), ông Nguyễn Kỳ Sơn (Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Huế) và thầy Vĩnh Thọ, Trưởng bộ môn Judo, võ sư Lê Viết Đắc mới chính thức khai giảng lớp đầu tiên vào ngày 06/05/1991 tại Nhà Văn hoá Thanh niên Thành phố Huế (33 Huỳnh Thúc Kháng) với chừng 12 võ sinh. Sau khi khai giảng một số lớp, ông đã dành nhiều tâm huyết để bộ môn Aikido được chính thức công nhận và được phép hoạt động tại Huế. Vào tháng 10 năm 1992, ông chính thức trình đơn xin công nhận bộ môn Aikido Huế và xin được phép hoạt động tại Huế.




Trong thời gian 1991 – 1993, bộ môn Aikido đã từng bước phát triển và cũng đã tham gia một số hoạt động hưởng ứng các ngày lễ lớn tổ chức tại Huế theo sự điều động của Phòng Văn hoá thông tin thành phố.

Vào cuối năm 1993, được sự đồng ý của Phòng Văn hoá Thông tin Thành phố Huế, ngày 05 tháng 12 năm 1993 tại Phòng tập NVH Thanh niên (33 Huỳnh Thúc Kháng), bộ môn Aikido Huế đã tổ chức kỳ thi thăng đẳng đầu tiên tại Huế với 12 võ sinh đăng ký tham gia. Với sự chứng kiến của ông Trần Xuân Lộc, ông Hồ Văn Thất - đại diện Phòng Văn hóa Thông tin, ông Trần Văn Tiến - đại diện Nhà văn hoá Thanh niên.

Ban giám khảo gồm võ sư Nguyễn Ngọc Thanh (Trưởng Bộ môn Aikibudo Đà Nẵng – Đại diện Aikido miền trung) làm Chánh Chủ khảo, võ sư Hoàng Ngọc Hùng (Aikibudo Đà Nẵng) và võ sư Lê Viết Đắc (Trưởng Bộ môn Aikido Huế). Kỳ thi đã diễn ra tốt đẹp với 10 võ sinh vượt qua kỳ thi và 10 Huyền đai này đã được Phòng Văn hóa Thông tin chứng nhận. Trong đó, võ sinh Nguyễn Đắc Trí đã đạt danh hiệu thủ khoa của kỳ thi trên.




Trong năm tiếp theo sau đó, số người quan tâm đến bộ môn ngày càng nhiều, số lượng võ sinh ngày càng đông. Võ sư Lê Viết Đắc đã gửi đơn đến Tỉnh Đoàn Huế và Trung Tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh để xin mở một phòng tập mới và đã được cho phép tham gia hoạt động huấn luyện tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi Tỉnh vào đầu năm 1995.

Cũng nên biết từ ngày thống nhất đất nước 1975 đến giai đoạn này, Aikido Việt Nam đã không còn được nhắc đến trên bản đồ Aikido thế giới. Vào cuối năm 1994, võ sư Nguyễn Đắc Trí đã vào TP,Hồ Chí Minh cùng võ sư Lê Viết Đắc để được ông giới thiệu người thay thế trong việc lãnh đạo Aikido Huế với các vị lãnh đạo Aikido TP.Hồ Chí Minh cũng như phái đoàn Aikikai lần đầu tiên trở lại Việt Nam (sau gần 20 năm mất liên lạc) dưới sự kết nối của thầy Đặng Thông Phong và Shihan Fujita Masatake, Tổng thư ký Tổng đàn Aikikai làm đại diện.

Trước khi rời thành phố Huế để sang Hoa Kỳ định cư, tháng 06/1995, võ sư Lê Viết Đắc đã giao quyền Trưởng Bộ môn aikido Huế cho võ sư Nguyễn Đắc Trí và thành lập Hội đồng Huyền đai Aikido Huế để cùng lãnh đạo và phát triển Aikido Huế. Trong những năm tiếp theo sau đó, việc phát triển Aikido tại Huế phần nào chững lại với nhiều lí do khác nhau.

Giao lưu Aikido TP HCM năm 2000 tại Trung tâm hoạt động Thanh Thiếu nhi Tỉnh TT Huế






Từ 1997 đến 2002, với sự năng động của tuổi trẻ Hội đồng Huyền đai Aikido Huế đặc biệt là võ sư Võ Đình Thanh trong nhiều chuyến đi công tác tại các tỉnh thành đã liên lạc và tạo được sự liên kết với các Hội, các câu lạc bộ Aikido các tỉnh thành khác, nhờ vậy đã tổ chức thành công buổi Giao lưu – Gặp gỡ với Hội Aikido TP.Hồ Chí Minh tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi Tỉnh năm 2000 và Cuộc Giao lưu – Hội ngộ Aikido 3 miền lần thứ nhất vào dịp Festival năm 2002 tại Huế.




Hội ngộ Aikido 3 miền lần thứ I năm 2002 tại Trung tâm văn hoá thông tin Tỉnh TT Huế


Thành công lớn nhất của Aikido Huế là đã tạo tiền đề cho những đợt tổ chức Giao lưu – Hội ngộ Aikido 3 miền các lần tiếp theo tại các tỉnh thành như lần thứ 2 tại TP Hồ Chí Minh (2003); lần thứ 3 tại Bình Dương (2005) và lần thứ 4 tại Đà Lạt (2007). Cũng trong thời kỳ này võ sư Nguyễn Đắc Trí và Võ Đình Thanh đã được Tổng đàn Aikikai cấp văn bằng chứng nhận Huyền đai nhất đẳng (năm 2001) (trong thời điểm này tại Việt Nam chỉ có trên dưới 10 người được Aikikai cấp chứng nhận này).




Tập huấn Quốc tế tại Hà Nội năm 2004



Tập huấn Quốc tế tại TP.HCM năm 2006






HLV Đoàn Văn Minh, Shihan Fukakusa, võ sư Nguyễn Đắc Trí trong buổi Tập huấn và Biểu diển Aikido Quốc tế tại Hà Nội năm 2008


Tháng 10/2005, bộ môn Aikido Huế đã chuyển toàn bộ về Trung tâm Thể thao Huế – số 01 Hà Huy Tập để hoạt động huấn luyện. Đến nay, ban huấn luyện gồm một Huyền đai Ngũ đẳng, bốn Huyền đai Tam đẳng, hai Huyền đai Nhị đẳng, hai Huyền đai Nhất đẳng và gần 60 võ sinh thường xuyên tham gia tập luyện tại Trung tâm Thể thao Huế với tất cả các ngày trong tuần. Từ 2005 đến nay, Aikido Huế đã cử nhiều huấn luyện viên và võ sinh tham gia các đợt tập huấn của các võ sư nước ngoài tại TP.Hồ Chí Minh, TP Hà Nội.


Tháng 11/2008, võ sư Nguyễn Đắc Trí - Trưởng bộ bộ môn Aikido Huế - dẫn đầu đoàn Aikido Huế tham gia đợt Giao lưu – Tập huấn & Biểu diễn Aikido Quốc tế Hà Nội mở rộng với sự tham gia lần đầu tiên của sáu nước Đông Nam Á tại Việt Nam dưới sự chứng kiến của Shihan Fukakusa - Chủ tịch Hội thân hữu Aikido Đông Nam Á và thầy Freddy Kong - Tổng thư ký Hội thân hữu Aikido Đông Nam Á.

Theo phương hướng hoạt động của bộ môn Aikido năm 2010, ngoài việc chú trọng đào tạo chuyên môn, cử Huấn luyện viên - võ sinh tham gia các đợt tập huấn của các võ sư nước ngoài… Vào năm 2010, bộ môn sẽ mở thêm ít nhất một phòng tập mới ở bờ Bắc sông Hương, để tạo đều kiện cho nhiều võ sinh ở phía Bắc sông Hương thuận lợi cho việc đi lại tập luyện trong mùa mưa
















Một số hình ảnh hoạt động tập luyện tại Trung tâm Thi đấu thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế




Một số hình ảnh đẹp của Aikido Huế


- Nguyễn Đắc Trí -

No comments:

Post a Comment